Hai áp thấp ở biển Đông và bão Lingling ở ngoài Philippines. (Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định như vậy với Tuổi Trẻ Online khi nói về việc dồn dập hình thành áp thấp nhiệt đới, bão ở Biển Đông và bão ở ngoài Philippines.
Nhận định về hướng đi của áp thấp nhiệt đới gần bờ, ông Lâm cho biết hiện nay các dự báo khách quan (mô hình) và chủ quan (các trung tâm dự báo) khá phân tán, có dự báo cho lệch Nam, có dự báo cho lệch bắc, sau đó đông bắc.
Chắt lọc kết quả mô hình thì xác suất lớn nhất hiện nay là áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển hướng theo hướng Tây Nam, về phía đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với tốc độ 15-20km/h, sau đó đi chậm lại và quay trở ra, di chuyển theo hướng Đông với tốc độ khoảng 5km/h, sau đó là theo hướng Đông Bắc, 5-10km/h.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ở giữa Biển Đông nhiều khả năng sẽ di chuyển theo hướng Tây Bắc, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và trong khoảng đêm ngày 3-9, áp thấp nhiệt đới này có khả năng sát nhập với áp thấp nhiệt đới gần bờ trên vùng biển phía Nam của đảo Hải Nam.
Ngoài ra, áp thấp nhiệt đới ngoài Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Lingling, di chuyển nhanh lên phía Bắc và cũng sẽ tương tác với hai áp thấp nhiệt đới trong Biển Đông. Sự tương tác này khiến cho diễn biến của cả ba áp thấp nhiệt đới và bão sẽ còn rất phức tạp trong 2-3 ngày tới.
Một khả năng nữa có thể xảy ra là áp thấp nhiệt đới gần bờ suy yếu và áp thấp nhiệt đới giữa Biển Đông mạnh lên thành bão.
"Có thể nói, trường hợp xuất hiện đồng thời hai áp thấp nhiệt đới và bão, cùng tương tác với nhau như thế này là hiếm gặp. Cấu trúc mây của hai cơn áp thấp nhiệt đới khá rời rạc, cường độ yếu nên khó dự báo hướng di chuyển. Đối với những cơn dạng này, các mô hình khí quyển chỉ có thể đưa ra nhận định 24 giờ, còn sau 24 giờ phân tán nhiều" - ông Lâm nói
Lý giải về sự bất thường của thời tiết dẫn tới xuất hiện nhiều áp thấp nhiệt đới và bão. ông Lâm cho biết hiện nay đang là thời gian cao điểm của mùa bão trên khu vực Biển Đông, với hoạt động mạnh của dải hội tụ nhiệt đới cùng với nhiệt độ mặt nước biển cao phổ biến trên 30 độ C. Trên dải hội tụ nhiệt đới này sẽ có khả năng hình thành nhiều vùng xoáy khác nhau, và sau đó có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. (Ảnh: CHÍ TUỆ)
Do thời gian hoạt động trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ khá lâu, gây gió mạnh, sóng lớn kéo dài trên biển, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 ở vùng ven bờ từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, do vậy rất nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Đối với đất liền, dự báo xuất hiện đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, trong đó trọng tâm mưa rất to là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; lượng mưa trong cả đợt có thể tới trên 500mm từ ngày 2-5/9.
Khu vực thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa phổ biến 200-300mm. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt) và tại Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Mưa lớn làm tăng nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng diện rộng ở các khu vực đồng bằng và đô thị lớn ở khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hai đợt mưa rất to liên tiếp cho khu vực Trung Bộ sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho hệ thống hồ chứa và thoát nước ở Trung Bộ, đặc biệt các hồ chứa thủy lợi, do ảnh hưởng của mưa cường độ lớn làm tăng nguy cơ xảy ra mất an toàn. Đối với lũ trên sông, có thể báo động 2 đến báo động 3 ở khu vực Hà Tĩnh - Quảng Trị.