Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu công viên nghĩa trang sinh thái xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký là CTCP Tâm viên Tâm linh Tâm Điền - Tây Yên Tử.
Công viên nghĩa trang này có diện tích sử dụng đất khoảng 150,5 ha, hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất rừng sản xuất (khoảng 150 ha) chiếm 99,46% đất dự án đầu tư; còn lại là đất mặt nước, giao thông.
Về tính chất, đây sẽ là công viên nghĩa trang sinh thái, mở ra mô hình về dịch vụ hiếu nghĩa phù hợp với phong tục, tập quán tín ngưỡng của người dân; góp phần giải quyết nhu cầu an táng người đã mất theo định hướng mới văn minh cho nhân dân địa phương cũng như các khu vực lân cận.
Thời hạn hoạt động của dự án này là 50 năm, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư. Về tiến độ, công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình sẽ là 72 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư. Từ tháng 73 hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 3.772 tỷ đồng, chưa tính chi phí bồi thường GPMB là 93 tỷ đồng.
Về doanh nghiệp đăng ký dự án, theo tìm hiểu của người viết, Tâm Điền - Tây Yên Tử được thành lập vào tháng 9/2021, có trụ sở tại huyện Lục Nam, Bắc Giang. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Toản.
Theo tìm hiểu của người viết, vào giữa năm 2022, Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công viên nghĩa trang sinh thái, xã Đông Hưng trên diện tích 320 ha. Dự án được chia làm 3 phân khu bao gồm: Phân khu A (Công viên tâm linh) quy mô khoảng 20 ha; Phân khu B (Công viên nghĩa trang) quy mô khoảng 150 ha; Phân khu C (Công viên du lịch sinh thái) quy mô khoảng 10 ha.
Quy hoạch cho biết, tổng thể dự án là một khu vực đồi núi tự nhiên, triền dốc thoải. Phía tây giáp ĐT.293C. Khu đón tiếp, khu vực biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn 4 sao nằm ở phía Đông và phía Bắc của dự án.
Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất rừng sản xuất là một trong các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Loại đất này được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, đất rừng sản xuất được phân loại thành: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên (Gồm có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên); Rừng sản xuất là rừng trồng (Gồm rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư).