Doanh nghiệp gấp rút 'thay tướng': CEO hay Chủ tịch HĐQT?

Từ ngày 1/8, qui định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 71 của Chính phủ, "Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc hay CEO) của cùng một công ty đại chúng."

Nhiều doanh nghiệp chạy nước rút "thay tướng"

Chỉ còn vài ngày nữa, Nghị định 71 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng được ban hành ngày 6/6/2017 sẽ chính thức có hiệu lực. 

Theo đó, từ ngày 1/8 tới đây, qui định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 71, "Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc hay CEO) của cùng một công ty đại chúng."

Được kì vọng mang lại sự thay đổi trong quản trị đặc biệt ở các đơn vị niêm yết, tăng thêm tính minh bạch và hiệu quả của Hội đồng quản trị, ban điều hành. Nhưng việc thực hiện chuyển giao theo Nghị định 71 của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn không giống nhau.

Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 1/8/2017 nhưng khoản 2 Điều 12 chỉ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tức là doanh nghiệp có tới 3 năm để chuẩn bị cho việc thay thế Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc Chủ tịch. 

Tuy nhiên, phần lớn nhiều doanh nghiệp đến gần sát thời điểm này mới gấp rút bổ nhiệm người thay thế chức danh Tổng giám đốc hoặc CEO. Mới đây nhất là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE), CTCP Chiếu xạ An Phú (Mã: APC), Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP (Mã: TVT) cũng đã bổ nhiệm tân Tổng giám đốc.

Không lâu trước đó, một số doanh nghiệp đại chúng cũng đã thực hiện thay tướng trước khi Nghị định 71 có hiệu lực như: CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH), CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), CTCP Bán lẻ Kĩ thuật số FPT (Mã: FRT), CTCP Nam Việt (Mã: ANV), CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (Mã: CCL), đã thay thế Tổng giám đốc.

Dù vậy, tính đến hết ngày 26/7, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tách bạch chức vụ Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT như: CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Mã: GEX), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA), CTCP Hùng Vương, CTCP CIC39 (Mã: C32), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB), CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (Mã: CKG),...

CEO hay Chủ tịch HĐQT và thách thức chuyển giao

Trong số các công ty đại chúng, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) là đơn vị tiên phong trong các doanh nghiệp niêm yết tách bạch Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT.

Nghị định 71 mới được ban hành ngày 6/6/2017 thì tới ngày 4/7/2017 Coteccons đã công bố quyết định miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và bầu ông Nguyễn Sỹ Công thay thế từ ngày 3/7/2017.

Tuy nhiên, Coteccons không phải là đơn vị đầu tiên thực hiện việc này. Một trong những hình mẫu đầu tiên về việc tách bạch hai chức danh trên thuộc về Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM).

Sau cuộc họp HĐQT vào ngày 24/7/2015, Vinamilk thông báo công ty đã thực hiện tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 thông qua.

Sự việc ngay lúc đó được quan tâm rất lớn của giới đầu tư. Tương lai của Vinamilk sẽ ra sao sau khi bà Mai Kiều Liên - người có 9 năm kiêm nhiệm rời ghế chủ tịch HĐQT và chỉ còn giữ chức danh Tổng Giám đốc? 

Câu chuyện của riêng Vinamilk sau này được nhiều người phân tích khi chứng kiến Vinamilk không ngừng tăng trưởng và trở thành hình mẫu về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với doanh nghiệp như bà Mai Kiều Liên, khi thực hiện việc tách bạch, nên nắm chức danh gì? CEO hay Chủ tịch HĐQT?

Rất khó để có một mẫu số chung, nhưng một số nhận định cho rằng, với những người giỏi điều hành và hiểu rõ hoạt động kinh doanh của công ty như bà Mai Kiều Liên, không nhất thiết phải nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT. 

Thay vào đó, việc chỉ giữ vai trò của một Tổng Giám đốc giúp bà Liên thể hiện tốt nhất năng lực điều hành của mình tại doanh nghiệp. 

Nhưng câu chuyện không chỉ có vậy. Nếu như bà Liên không có sự ủng hộ của HĐQT - tổ chức có vai trò giám sát hoạt động của Tổng Giám Đốc thì mọi việc sẽ như thế nào? 

Đây rõ ràng là một bài toán đặc biệt khó đối với những doanh nghiệp không có sự đồng thuận giữa ban lãnh đạo và các cổ đông, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp không có cổ đông hoặc nhóm cổ đông nào sở hữu chi phối tại doanh nghiệp. 

Câu chuyện của Vinamilk sẽ rất khác với Coteccons, mặc dù là đơn vị là đơn vị tiên phong trong các doanh nghiệp niêm yết tách bạch Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT. Nhưng đó cũng là thời điểm Coteccons phát sinh mâu thuẫn nội bộ. Theo đó, việc tách bạch hai chức danh không loại trừ là do áp lực của nhóm cổ đông lớn hơn là việc chủ động thực hiện sớm chính sách.

Theo đánh giá của chủ một doanh nghiệp, với những doanh nghiệp như vậy, việc ai nắm quyền tổng giám đốc, hay nắm chức danh Chủ tịch HĐQT có thể sẽ không còn phụ thuộc vào năng lực và sự phù hợp. 

Thay vào đó, sẽ có nhiều toan tính trong việc cân đối quyền lực hơn, dẫn đến việc người "cầm quân" giỏi "điều binh khiển tướng" lại nắm chức danh Chủ tịch HĐQT mà không phải là Tổng Giám đốc. Ngược lại, vai trò của Tổng Giám đốc trong công ty khá mờ nhạt. 

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp mà Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã trước đây có vai trò quá lớn. Thậm chí, việc lựa chọn người không phù hợp lên giữ chức CEO còn gây ra tình trạng bất đồng nội bộ, chảy máu nhân sự công ty.

Một vấn đề khác liên quan đến chọn người truyền thừa đó chính là năng lực của đội ngũ kế thừa. Bởi việc chuyển giao thế hệ sẽ ảnh lớn lớn đến hiệu quả hoạt động của công ty. 

"Mặc dù DN đã chuyển giao thế hệ cách đây hơn 1 năm và tạo môi trường cho thế hệ trẻ phát triển, nhưng thực tế, tôi vẫn lo rằng tầng lớp kế cận chưa đủ sức chiến đấu, nhất là trong bối cảnh tính cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng khốc liệt", một lãnh đạo DN không muốn nêu tên chia sẻ.

Theo đó, dù đã rời ghế CEO, Chủ tịch HĐQT vẫn luôn theo sát hoạt động của công ty và sẵn sàng hỗ trợ Ban điều hành trong các hoạt động của công ty.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.