Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất tận dụng máy bay Vietnam Airlines chở hàng trong dịch Covid-19

Tại buổi đối thoại, phía Hàn Quốc kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến thuế nhà thầu nước ngoài, mã vạch của hàng hoá xuất khẩu và các vấn đề liên quan đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận CO, đề nghị Vietnam Airlines dùng máy bay chở người để chở hàng,...
Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc: Nhiều vấn đề được mổ xẻ - Ảnh 1.

Các DN Hàn Quốc thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: VGP).

Chiều 17/7, tại Hội nghị đối thoại cảu Chính phủ với doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, rất nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Lotte, Hyosung, và các hiệp hội hỗ trợ DN như Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam,... đã đưa ra nhiều khó khăn mà DN Hàn Quốc đang gặp phải

Nhiều thủ tục trong Luật Đầu tư còn phức tạp 

Đại diện phía Samsung nêu những khó khăn trong Luật Đầu tư, nếu tăng hoặc giảm vốn nhiều hơn một tỉ lệ nhất định thì DN được yêu cầu phải làm lại Giấy phép đăng kí đầu tư. Theo phía Samsung cho biết, các thủ tục này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Đặc biệt là đối với ngành IT, nếu thời gian chậm trễ có thể lỡ mất các cơ hội kinh doanh.

"Một công ty con của Samsung bị mất nhiều tháng để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng kí đầu tư vào năm ngoái và cũng suýt bị lỡ mất việc sản xuất sản phẩm mới" - phía Samsung cho biết. 

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam mà thủ tục đầu tư của Samsung đã được thông qua, không gặp nhiều vấn đề lớn. Tuy nhiên, ngoài kia sẽ có nhiều DN khác cũng gặp vấn đề tương tự như vậy.

Đặc biệt, đại diện phía Samsung nhấn mạnh, các vấn đề về logistics thật sự đang gặp khó khăn lớn trong hải quan và thủ tục xuất nhập khẩu do tác động của COVID-19. Đồng thời, việc dừng các chuyến bay sang châu Âu là thị trường khai thác chính đã tác động đến doanh thu, chi phí vận chuyển của DN.

Về vấn đề này, phía DN Hàn Quốc đề nghị Việt Nam nên tận dụng số máy bay còn lại chưa hoạt động để khai thác chở hàng tạm thời. Điều này sẽ giúp hai phía hàng không và các DN xuất khẩu hưởng lợi ích kinh tế.

Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc: Nhiều vấn đề được mổ xẻ - Ảnh 2.

DN Hàn Quốc đề nghị Việt Nam nên tận dụng số máy bay còn lại chưa hoạt động để khai thác vận chuyển hàng tạm thời sang châu Âu. (Ảnh minh họa: Vietnam Airlines).

Kết thúc phần phát biểu, phía Samsung hi vọng thỏa thuận giá trước (APA) giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được thông qua trong năm nay và sớm đi vào thực tiễn, giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Tại buổi đối thoại, liên quan đến các vấn đề cấp giấy phép kinh doanh, GĐ Tập đoàn Lotte Kim Gun Ha kiến nghị, phần lớn các DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam đều đang vướng thủ tục cấp giấy phép. 

Đặc biệt, Lotte cho biết đã thanh toán tiền cọc, tiền bảo lãnh, đã hoàn thành góp vốn tại dự án Lotte Eco Smart City tại Thủ Thiêm nhưng vẫn đang vướng thủ tục.

Đồng thời, phía Lotte cũng mong muốn được hỗ trợ, xúc tiến nhanh dự án cấp xử lí nước thải ở phía tây TP HCM. Lotte sẽ đảm bảo xây dựng nhà máy ngay khi được Chính phủ phê duyệt.

Doanh thu giảm mạnh do đại dịch COVID-19, đại diện Hyosung mong muốn Chính phủ gia hạn thêm thời gian nộp thuế TNDN không những quí II mà còn là quí III, quí IV/2020, cũng như tạo điều kiện cho DN dời thời gian kiểm toán định kì sang năm sau giúp DN giảm được gánh nặng.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, phía Hyosung cũng đưa ra các vấn đề mà bản thân DN đang gặp phải: dự án công xưởng nhà máy ở Vũng Tàu hay dự án điện lực,... Đặc biệt, phía DN nhấn mạnh, mong muốn Chính phủ xúc tiến để dự án sân bay Long Thành hoàn thành sớm nhất, điều này có ý nghĩa to lớn trong vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc đối thoại còn có những vấn đề cụ thể được phía DN Hàn Quốc nêu ra, bao gồm kiến nghị qui hoạch KCN dành cho bê tông gần Hà Nội bởi đây là vật liệu rất quan trọng, và vì bê tông phải được vận chuyển trong thời gian ngắn. 

Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc: Nhiều vấn đề được mổ xẻ - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc đối thoại của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng với phía các DN Hàn Quốc. (Ảnh: VGP).

Hầu hết các DN kiến nghị đều liên quan đến thủ tục kéo dài, và các áp dụng thuế không đúng như thỏa thuận, và đều bày tỏ mong muốn được Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản cho các DN.

Cần suy xét đến lập trường đến các nhà đầu tư Hàn Quốc 

Cũng tại buổi nói chuyện, Chủ tịch KORCHAM phía Nam Trung Bộ Kim Heung Soo thẳng thắn, có nhiều trường hợp các cán bộ phụ trách địa phương đặt lập trường của bản thân lên hàng đầu và không suy xét đến lập trường của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với hệ thống hành chính liên quan đến đầu tư, Chủ tịch Kim gợi ý Chính phủ Việt Nam nên xây dựng một cấu trúc hệ thống tập trung vào các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đáng chú ý, đại diện phía công ty ARS phát biểu, và bày tỏ mong muốn Chính phủ giảm bớt việc thanh tra. Công ty cũng bày tỏ, hi vọng hiệp định an sinh xã hội giữa hai nước sẽ được kí trong thời gian sớm nhất.

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến thuế nhà thầu nước ngoài, phát sinh thuế TNCN của người lao động sang công tác tại Việt Nam ngắn hạn, mã vạch của hàng hoá xuất khẩu và các vấn đề liên quan đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa CO theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.