Doanh nghiệp xi măng chưa hết khó

Thị trường bất động sản trầm lắng đang tác động trực tiếp đến hệ sinh thái toàn ngành, khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như xi măng gặp khó. Giới phân tích dự báo, thời gian tới, nhóm doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận khi giá điện tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo ước tính của nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chi phí điện chiếm từ 14-15% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.

“Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Chúng tôi ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành xi măng giảm 13%”, đại diện Mirae Asset dự báo.

Như vậy, việc giá điện tăng thêm 3% từ ngày 4/5 sẽ tạo thêm áp lực tới hiệu quả kinh doanh của ngành này trong thời gian tới, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ xi măng có xu hướng chững lại do nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình… ở mức thấp.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), việc khó khăn về dòng vốn, tâm lý thận trong của người mua nhà, tiến độ giải quyết pháp lý… khiến nhiều doanh nghiệp không đẩy mạnh dự án mới, giãn tiến độ thi công khiến đơn hàng liên quan đến dự án bất động sản gần như không có doanh thu.

Hiện để bù đắp doanh thu từ lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm các đơn hàng từ lĩnh vực hạ tầng giao thông, hướng vào các dự án đầu tư công….

Dù vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn hạn chế. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng ước đạt hơn 110.633 tỷ đồng, bằng 14,66% kế hoạch và đạt 15,65% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ ở mức 64 - 65,5 triệu tấn, với tổng công suất đã vượt 110 triệu tấn và tiếp tục được bổ sung nguồn cung, thị trường đang phải đối mặt với tình trạng dư cung.

Không chỉ thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu xi măng, clinker (xi măng dạng thô) ghi nhận kém tích cực khiến các doanh nghiệp ngành thép khó chồng khó.

Hiện nay, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam là Philippines, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Với clinker, các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Bangladesh, Philippines.

Theo VNCA, là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Trung Quốc khá ảm đạm do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn. Kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2022. 

Cùng đó, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines mới đây công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Mặt khác, ngày 1/1/2023, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker (xi măng dạng thô) tăng từ 5% lên 10% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Khi thuế, chi phí tăng lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn. Các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này sẽ càng phải cân nhắc nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ nước nào có giá thành hợp lý nhất.

Các chuyên gia nhận định, năng lực sản xuất xi măng năm 2023 sẽ đạt hơn 120 triệu tấn, nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn và xuất khẩu sẽ khó đạt con số 31 triệu tấn như năm 2022.

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 khoảng 100-105 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60-65 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 35-40 triệu tấn.

Trước đó, Báo cáo tài chính quý I vừa qua của các doanh nghiệp xi măng đã thể hiện rõ điều này khi ghi nhận đồng thời lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Công ty Xi măng Bỉm Sơn báo cáo doanh thu thuần đạt 847 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022; lỗ sau thuế âm 48,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 68,6 tỷ đồng. 

Công ty Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần gần 1.691 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.957 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lỗ sau thuế quý 86 tỷ đồng, ngược lại với mức lãi 25 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải của các doanh nghiệp về con số trên, nguyên nhân tác động đến hiệu quả kinh doanh phần nữa do giá vốn tăng 30% theo giá than, dầu thế giới, từ đó làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, khiến lợi nhuận bị sụt giảm mạnh.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, cổ phiếu BCC của Công ty Xi măng Bỉm Sơn có giá 12.000 đồng, cổ phiếu HT1 của Công ty Xi măng Hà Tiên có giá 14.450 đồng, cổ phiếu BTS của Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn có giá 5.900 đồng/đơn vị.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.