Sáng nay (ngày 23/4), CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, qua đó, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 8.987 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả thực hiện được trong năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng, tăng 7%.
Tại đại hội, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT công ty chia sẻ, năm nay, công ty cũng đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thị và gia công xi măng đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 1%.
“Để đạt được những mục tiêu nêu trên, công ty sẽ bám sát thị trường, có cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp nhằm tăng sản lượng và thị phần; chủ động xây dựng các phương án chạy lò, giảm tiêu hao nhiệt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng clinker; tăng cường sử dụng nhiên liệu thay thế nhằm tiết giảm chi phí; tiết kiệm tối đa các chi phí nhằm tối ưu hóa lợi nhuận” ông Cường nói.
Về mục tiêu đầu tư xây dựng, ông Cường cho biết, đối với dự án nâng cao năng lực nghiền xi măng tại nhà máy nghiền xi măng Kiên Lương, công ty sẽ tiếp tục rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cho phù hợp với tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu hiện nay, xem xét đề xuất thời điểm thích hợp sẽ triển khai trở lại.
Đối với dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điện tại nhà máy xi măng Bình Phước, công ty sẽ hoàn thành bước thỏa thuận, triển khai trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu gói cung cấp thiết bị.
Về phía dự án khai thác mỏ đá vôi núi Trầu, núi Còm, Châu Hang, tiếp tục công tác thi công xây dựng cơ bản mỏ.
Và đối với dự án Nâng cấp 06 (sáu) làn hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng tại trạm thu phí XMHT-XNBOT, trong tháng 4 công ty đang phối hợp với Sở GTVT và UBND TP HCM để nắm bắt tình hình phê duyệt BCNCKT dự án để kịp thời triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công.
Dự báo tình hình thị trường xi măng Việt Nam trong năm nay, ông Cường chia sẻ, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn cung xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu.
Cụ thể, trong năm nay tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng); giá cước vận chuyển cao,...
Cho nhiệm kỳ 2023 - 2028, tại Đại hội, cổ đông công ty đã thông qua việc bổ nhiệm các Thành viên HĐQT với 7 thành viên.
Ngoài 6 thành viên được tái bổ nhiệm là ông Lưu Đình Cường, ông Đinh Quang Dũng, ông Phan Xuân Diệu, ông Võ Ngọc Trung, ông Nguyễn Văn Lập và ông Hoàng Cảnh Nguyễn, công ty cũng bổ nhiệm thêm 1 thành viên mới vào HĐQT cho nhiệm kỳ mới là ông Nguyễn Quốc Huy.
Ông Huy sinh năm 1994, trình độ chuyên môn là cử nhân Quản trị kinh doanh.
Về quá trình công tác, từ năm 2006 - 2017, ông Huy giữ chức vụ Chuyên viên quản trị nhân sự tại CTCP Vận tải và TM Quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, ông Huy giữ chức vụ Trợ lý Tổng Giám đốc tại TM Quốc tế, từ năm 2022 - nay, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại CTCP Việt Nam Catering.
Theo bản công bố thông tin, ông Huy là con trai của ông Nguyễn Văn Chuyền, Thành viên của HĐQT Vicem Hà Tiên nhiệm kỳ cũ.
Bên cạnh đó cổ đông công ty cũng bầu các thành viên Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2023 - 2028, ngoài 2 thành viên được tái bổ nhiệm là bà Trung Thị Tâm Thanh và bà Lê Thị Thu Thủy, công ty đã bổ nhiệm mới bà Trần Thị Hằng tham gia vào Ban kiểm soát công ty.
Bà Hằng sinh năm 1983, trình độ chuyên môn là Cử nhân kế toán. Bà Hẵng cũng đang đảm nhiệm chức vụ Phó phòng Tổ chức Hành chánh của Vicem Hà Tiên từ tháng 11/2022.
Công ty đang cung cấp sản phẩm cho những dự án đầu tư công nào?
Ông Cường cho biết, trước kia, công ty đã cung cấp sản phẩm cho hầu hết các dự án, công trình trọng điểm tại phía nam và trong giai đoạn vừa qua các dự án trọng điểm của Chính Phủ thì công ty là đơn vị cung cấp.
Công ty cũng đang theo sát với các đơn vị tư vấn, các chủ đầu tư để tiếp cận đưa xi măng của công ty vào các dự án.
Công ty đã cung cấp xi măng cho sân bay Long Thành, cho nhà ga T3, cho cầu Mỹ Thuận 2 cũng như các tuyến cao tốc của khu vực miền Trung và sắp tới là các tuyến cao tốc từ Cần Thơ, Hậu Giang cũng như là các tuyến đường cao tốc khác.
Năm ngoái công ty có giới thiệu về các sản phẩm nhiên liệu thay thế như để giày vải vóc, vậy, các sản phẩm trên giúp cho công ty tiết kiệm được bao nhiêu chi phí trong năm 2022. Qua năm nay, công ty có tiếp tục sử dụng các nguyên liệu thay thế nữa hay không?
Tổng Giám đốc công ty cho biết, Vicem Hà Tiên là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc sử dụng nhiên liệu thay thế, từ năm 2019 - 2020 thì công ty cũng đã triển khai rất tốt việc sử dụng nhiên liệu này, công ty tự nghiên cứu, tự chế tạo sau đó phối hợp với các đơn vị sản xuất ở bên ngoài để lắp đặt các hệ thống đốt vải vụn đế giày tại Nhà máy xi măng Bình Phước và Nhà máy xi măng Bình Dương.
Song song với đó công ty cũng nghiên cứu việc cải tạo hệ thống lò đốt, lò nung để làm sao có không gian đốt nhiều hơn nên kết quả mang lại hết sức khả quan. Ngày trước thì công ty đốt nhiên liệu đế giày thì thay thế được từ 10 - 15%, nhưng bây giờ tại Nhà máy xi măng Bình Phước có những ngày thay thế được 27%.
Mục tiêu trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng duy trì mức 30 - 35% trong thời gian tới. Về hiệu quả, một phần nhiên liệu từ vải vụn, đế giày thì giá thành rẻ hơn nhiều so với than, nên mạnh lại hiệu quả tiết kiệm chi phí rất lớn.
Năm 2022, khi giá than tăng cao nên mức lợi nhuận khi sử dụng nhiên liệu thay thế lớn hơn. Nếu thay thế được 25%, với mức nhiệt 4.700 - 5.000 độ thì mỗi năm mang về cho công ty lợi nhuận 30 tỷ đồng.
Triển vọng về tiêu thụ xi măng tiêu thụ trong quý II và trong năm 2023?
Tổng Giám đốc công ty cho biết, riêng quý I, tình hình tiêu thụ xi măng Hà Tiên đã giảm 20%, còn thị trường Việt Nam đã giảm 25%, mức giảm của công ty thấp hơn mức giảm của tình hình tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Tiếp đó, sang tháng 4, tại những năm trước đó thì sẽ có những nhu cầu xi măng nhu cầu xây dựng rất lớn, song, hiện nay sức cầu yếu, đây là hệ lụy của Covid-19 trong hơn 2 năm vừa qua, và gia tăng lạm phát nên nhu cầu giảm.
Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên kỳ vọng, trong 6 tháng cuối năm thì bức tranh của của thế giới và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ có khởi sắc giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty tiến triển tốt hơn.
Công ty có dự kiến điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường không?
Ông Lưu Đình Cường cho biết, mong muốn của các đơn vị sản xuất và các công ty thì ai cũng muốn tăng giá cả, nhưng phải phù hợp với thị trường. Công ty chỉ đạo là trong giai đoạn hiện nay là đang cố gắng bình ổn giá.
Bên cạnh đó, công ty cũng thông qua việc giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh để gia tăng thêm nguồn lực tạo thêm lợi thế cho thị trường.
Ông Cường chia sẻ, khi nào điện tăng giá thì lúc đó chủ trương của công ty cũng như các đơn vị thành viên sẽ có điều chỉnh tăng giá để bù đắp đủ chi phí điện mà khi điện tăng giá.
Về tỷ trọng than chiếm trong giá thành sản xuất xi măng và trong điện là bao nhiêu?
Tổng Giám đốc công ty cho biết, trước thời điểm tăng giá than vào tháng 2, tháng 3 năm 2022 thì tỷ trọng than trong clinker của công ty chiếm từ 40 - 45% tùy từng đơn vị và tùy từng giá than tại những thời điểm khác nhau.
Tuy nhiên sang đến năm 2022 và thời hiện nay thì tỷ trọng than chiếm trong clinker riêng của năm 2022 bình quân là 56% do giá than tăng mạnh và giá than trong điện năm 2022 là 35%, còn trước kia chi ở khoảng 20 - 23%.
Vì vậy, mức độ tác động của giá năng lượng lên giá thành rất lớn.