Vicem Hà Tiên hưởng lợi từ cầu tại thị trường phía Nam, giảm bớt cạnh tranh khi xuất khẩu dễ thở hơn

BVSC dự phóng kết quả kinh doanh năm nay của Vicem Hà Tiên tăng trưởng so với năm 2022 với kỳ vọng thị trường xuất khẩu dễ thở hơn và giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhiệt. Bên cạnh đó, công ty hưởng lợi từ chiếm lĩnh thị trường miền Nam.

Cập nhật về CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo doanh thu thuần năm nay tăng 11% so với năm 2022, đạt 9.861 tỷ đồng, do áp lực cạnh tranh giảm khi thị trường xuất khẩu không còn quá khó khăn như năm trước. Bên cạnh đó, đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành, Hà Tiên hưởng lợi nhờ chiếm lĩnh thị trường miền Nam.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện rõ rệt, tuy vẫn chưa về mức cao của năm 2020, chủ yếu là do tăng trưởng doanh thu, giảm áp lực cạnh tranh về giá bán, giá đầu vào giảm nhiệt. Lợi nhuận sau thuế được dự báo đạt 554 tỷ đồng, tăng 112%.

Hưởng lợi nhờ vị trí địa lý và thị trường phía Nam luôn dư cầu

BVSC cho rằng, nhờ có lợi thế về vị trí địa lý, giá bán của xi măng Hà Tiên luôn đạt mức cao nhất ngành tại các thị trường, theo đó, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cao hơn các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Hà Tiên sở hữu 2 nhà máy (gồm Nhà máy xi măng Kiên Lương – Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước – Bình Phước) và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu – TP HCM, Cam Ranh – Khánh Hòa, và Long An – Long An), đều thuận tiện cho các phương tiện bằng đường bộ, đáp ứng nhu cầu tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện tại, công ty đang có 76 nhà phân phối với 10.000 cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm thị trường nội địa trong nước (25 tỉnh phía Nam) và xuất khẩu ở Cambodia và Australia.

Giai đoạn 2021 – 2022, có một số quý biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của công ty sụt giảm mạnh và thấp hơn các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung, do tình hình dịch Covid-19 và giãn cách xã hội diễn ra khác nhau giữa các miền.

Phân theo khu vực, thị trường miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng dư cung, trong khi thị trường miền Nam luôn ở trong tình trạng dư cầu. Tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa.

Mặt khác, giải ngân đầu tư công lớn với nhiều dự án tại miền Nam là động lực cho tăng trưởng của Hà Tiên.

 

Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 60% ngân sách. Các dự án trọng điểm tập trung là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai.

Top các tỉnh thành được phân bổ vốn lớn bao gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhận được tỷ trọng giải ngân lớn nhất lần lượt là 28%, 19% và 19%.

Hiện tại, xây dựng dân dụng vẫn là phân khúc tiêu thụ xi măng chính ở Việt Nam. Do vậy, tiêu thụ trong ngành vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ thị trường bất động sản. Xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 11% tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, vì vậy, tăng cường giải ngân đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy xây dựng dân dụng tại các địa điểm có tuyến đường đi qua.

Với thị phần lớn tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Hà Tiên được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án trọng điểm tại khu vực này.

 

Kỳ vọng vào giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhiệt, xuất khẩu dễ thở hơn 

Cả năm 2022, Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.918 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp đạt 10%.

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng giá vốn dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm 30% so với năm trước (đạt 262 tỷ đồng) mặc dù sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ nền thấp của năm 2021.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp trong nước đã phải tăng giá khoảng 10% - 15% với mức tăng từ 220.000 – 270.000 đồng/tấn. Theo tính toán sơ bộ từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá than hiện đang chiếm 60% giá thành sản xuất xi măng, khiến doanh nghiệp đứng trước áp lực không nhỏ khi giá than liên tục tăng. Mặc dù tăng giá, mức tăng này không giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn, biên lợi nhuận gộp vẫn giảm mạnh.

Song, theo BVSC, giá than và giá dầu đang có xu hướng giảm dần trong các tháng cuối năm 2022 và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2023. Dự báo này đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến sự Nga - Ukrana dần đi đến hồi kết, bên cạnh đó, sản lượng cung ứng xăng dầu từ các quốc gia không thuộc OPEC cũng tăng cao hơn dự kiến. Điều này sẽ giúp giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhiệt, củng cố lợi nhuận cái doanh nghiệp trong ngành.

 

Bên cạnh đó, BVSC cũng kỳ vọng vào sự trở lại của các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Philippines sẽ giúp xuất khẩu dễ thở hơn, từ đó giảm bớt cạnh tranh tại thị trường nội địa.

Trong năm 2022, khi lượng xuất khẩu Xi măng và Clinker giảm mạnh, các công ty xi măng chuyên xuất khẩu như Hoàng Mai, Thành Thắng, Xuân Trường tập trung vào thị trường trong nước, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa như Hà Tiên.

Mặc dù áp lực về chi phí đầu vào lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh trong nước gay gắt khiến các doanh nghiệp không thể tăng giá, ngoại trừ Hà Tiên. Tỷ trọng xuất khẩu trong doanh thu của Hà Tiên chiếm 3%, tuy nhiên kết quả kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành.

Như vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch sẽ làm giảm áp lực tiêu thụ trong nước cho thị trường xi măng trong năm nay. Trước đó, trong giai đoạn tháng 8/2021 - 3/2022,  Trung Quốc chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam.

Bên cạnh Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn 8/2021 – 2/2022 bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng Việt Nam.

Trong bối cảnh, cước vận tải biển giảm nhiệt trong các quý cuối năm 2022, xuất khẩu sang Phillipines cũng giảm bớt áp lực.  

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.