SSI: Ngành thép tiếp tục gặp khó trong năm 2023, động lực hồi phục từ thị trường Trung Quốc

Chứng khoán SSI dự báo, năm 2023, nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm.

Nhu cầu thép giảm từ nửa cuối năm 2022, lợi nhuận các doanh nghiệp giảm do sản lượng giảm

Trong báo cáo cập nhật Ngành thép của Chứng khoán SSI, đơn vị này cho biết, doanh thu của ngành thép trong nước đạt mức cao nhất trong tháng 3 cuối năm 2022 cả về giá trị tuyệt đối và mức tăng trưởng hàng năm. 

Kết quả này là do nhu cầu bị dồn nén và giá thép tăng đã khuyến khích các nhà phân phối tích trữ hàng tồn kho. 

 Doanh thu ngành thép trong nước. (Nguồn: SSI).

Song, nhu cầu có xu hướng giảm nhanh hơn dự kiến từ nửa cuối năm 2022 do lãi suất tăng cũng như sự biến động trên thị trường bất động sản. 

Lợi nhuận của doanh nghiệp thép cũng giảm đáng kể trong 9 tháng đầu năm và ghi nhận khoản lỗ kỷ lục trong quý III do nhu cầu thị trường giảm nhanh và giá thép giảm, khiến các công ty phải tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho. SSI cho rằng hầu hết các công ty sẽ vẫn phải ghi nhận lỗ trong quý cuối cùng của năm 2022. 

 Doanh thu của các doanh nghiệp ngành thép. (Nguồn: SSI).

Nhu cầu trong nước suy yếu trong năm 2023, động lực hồi phục từ thị trường Trung Quốc

Về triển vọng ngành thép trong năm 2023, SSI dự báo, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. 

Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. 

SSI cho biết thêm, kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. 

SSI cho rằng, nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Doanh thu thép xây dựng giảm 7% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Song, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng. Bên cạnh đó, giá thép có thể ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021, nhưng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu. 

Do đó, SSI cho rằng, những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023. Song, ít có khả năng giá thép tăng mạnh, vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng. Ngoài ra, mức giá hiện tại đã cao hơn 20-40% so với mức trước Covid.

Cùng quan điểm này, song Chứng khoán DSC cũng đánh giá câu chuyện Trung Quốc mở cửa hấp dẫn nhưng chưa đi vào thực tế, nửa sau năm 2023 có thể sẽ tích cực hơn. Đơn vị này cho rằng Trung Quốc sẽ mất từ 6-9 tháng để chính sách mở cửa và “giải cứu” bất động sản có tác động mạnh mẽ 

Mặt khác, SSI nhận định, nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực, xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.  

Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022.

Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Philippin. 

Đối với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành, Chứng khoán DSC dự báo, lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến sẽ được cải thiện từ quý I/2023 do lượng hàng tồn kho giá cao được tiêu thụ và hạch toán vào 9 tháng cuối năm 2022. Giá than cốc tăng phi mã, đạt đỉnh ở mức khoảng 3100 RMB/tấn vào quý II/2022 và điều chỉnh dần về còn khoảng 2400 RMB/tấn ở thời điểm hiện tại. 

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.