Thép Nam Kim đẩy mạnh xuất khẩu trong dài hạn, kinh doanh dự kiến phục hồi từ năm 2023

Nam Kim tập trung giữ tỷ trọng xuất khẩu từ 55-60% tổng tiêu thụ trong dài hạn. Tình hình kinh doanh của công ty dự kiến phục hồi vào năm 2023 bởi thị trường trong nước được cải thiện, cùng với việc vận hành nhà máy Phú Mỹ.

Kết quả kinh doanh 11 tháng trượt dốc

Thông tin từ báo cáo cập nhật của Chứng khoán KIS Việt Nam (KISV), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã công bố doanh số tháng 11 của CTCP Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG), theo đó, tổng sản lượng thép bán ra trong tháng 11 của công ty đạt 66.089 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 31% so với tháng 10 vừa qua.

Sản lượng thép tôn chiếm 80% tổng sản lượng tiêu thụ tháng 11, đạt 52.906 tấn, giảm 42% so với tháng 11/2021, tăng 33,5% so với tháng trước. Sản lượng xuất khẩu thép tôn đạt 37.133 tấn, giảm 52,4% so với cùng kỳ, tăng 40,3% so với tháng 10. Sản lượng thép tôn trong nước và sản lượng ống thép lần lượt ghi nhận 15.773 tấn và 13.183 tấn, tương ứng tăng 16,7 % và 31,5% so với tháng 11/2021 và tăng 20% và 23% so với tháng trước.

Luỹ kế 11 tháng, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 808.938 tấn, giảm 19,7% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng thép tôn giảm 23,6% xuống 660.016 tấn và sản lượng ống thép tăng 3,6%, đạt 148.922 tấn. Tổng sản lượng xuất khẩu trong 11 tháng đạt 474.484 tấn (chiếm 58,6% tổng doanh số), giảm 29% cùng kỳ, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 1,4%, đạt 334.151 tấn.

Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã dự báo tiêu thụ quý IV sẽ thấp hơn quý trước do triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm và cạnh tranh cao hơn với thép giá rẻ của Trung Quốc cũng như các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam. Giá HRC đã giảm nhanh từ giữa tháng 10 nhưng xu hướng giảm sẽ chậm lại do nguồn cung trên toàn cầu bị hạn chế.

Tình hình kinh doanh sẽ hồi phục từ năm 2023

VDSC kỳ vọng lạm phát thấp hơn từ giữa năm 2023, khuyến khích nhu cầu tôn mạ toàn cầu, hỗ trợ sản lượng xuất khẩu nhích lên. Đồng thời, nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn vào năm 2023.

Bên cạnh đó, Chứng khoán MB (MBS) cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần ổn định trong giai đoạn 2023 – 2024 cũng như các chính sách tài khóa và kiểm soát ngành bất động sản tại Việt Nam dần bình ổn trở lại, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy khả năng tiêu thụ của Nam Kim trong giai đoạn năm 2023 – 2025.

Thêm vào đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sẽ tăng trưởng vượt trội khi nhà máy Phú Mỹ hoàn thành theo 3 giai đoạn từ năm 2022 – 2027. Cụ thể, Phú Mỹ sẽ bắt đầu khởi công vào năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024, qua đó nâng tổng công suất sản xuất của Nam Kim thêm 400.000 tấn. Sau khi hoàn thành giai đoạn 3 của dự án vào năm 2027, tổng công suất của Nam Kim sẽ đạt hơn 2,3 triệu tấn.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 4.500 tỷ đồng với diện tích là 33 ha. Theo kế hoạch của doanh nghiệp, nguồn vốn dùng để đầu tư cho dự án sẽ đến từ nguồn lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp mà không sử dụng vốn vay. Điều này sẽ giảm đòn bẩy cũng như giảm gánh nặng lãi vay trong dài hạn cho doanh nghiệp cũng như đồng thời tận dụng các nguồn lực tự có.

Nam Kim sẽ vẫn tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong mục tiêu dài hạn (tỷ trọng từ 55-60% tổng tiêu thụ) với mục tiêu sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng có thể linh động tùy hình giá cả tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, Nam Kim tiếp tục có kế hoạch và định hướng phát triển thêm các dòng sản phẩm về hàng gia dụng nhằm đa dạng hóa sản phẩm thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp trong dài hạn. Doanh thu và lợi nhuận theo MBS dự phóng sẽ phục hồi vào năm 2023 và dần cải thiện trong trung hạn bởi các lợi thế vốn có của doanh nghiệp cũng như việc vận hành nhà máy mới sẽ nâng cao năng lực sản xuất cũng như đưa mức chi phí biên được kiểm soát tốt hơn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.