CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 1.999 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu trong kỳ của Vicem Hà Tiên chủ yếu đến từ xi măng, clinker (đạt 2.129 tỷ đồng), giảm 15,5% và doanh thu từ chiết khấu thương mại, giảm 2,6 tỷ đồng (đạt 136 tỷ đồng).
Doanh thu giảm, giá vốn trong quý của công ty cũng giảm 13% còn 1.793 tỷ đồng, song, tốc độ giảm của giá vốn chậm hơn nên lợi nhuận gộp giảm 36% còn 206 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng giảm từ 13,4% về 10,3%.
Xét về các chi phí, chi phí tài chính trong kỳ của công ty tăng 9%, đạt 39,9 tỷ đồng do tăng chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán.
Ngược chiều, nhờ giảm được chi phí dịch vụ mua ngoài mà chi phí bán hàng và chi phí quản lý của công ty lần lượt giảm 11% và 12%, đạt 42,5 và 60,7 tỷ đồng.
Kết quả sau khi trừ đi giá vốn, chi phí, thuế, Vicem Hà Tiên báo lãi sau thuế giảm 57% còn 58,7 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, kết hợp với kết quả kinh doanh trong quý I, Vicem Hà Tiên ghi nhận mức doanh thu đạt 3.690 tỷ đồng, giảm 15% và do khoản lỗ hơn 85,6 tỷ đồng trong quý I nên công ty báo lỗ lũy kế 6 tháng 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 167,4 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả kinh doanh lỗ, công ty còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Cũng tại Đại hội, dự báo tình hình thị trường xi măng Việt Nam trong năm nay ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT công ty chia sẻ, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn cung xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu.
Cụ thể, trong năm nay tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng); giá cước vận chuyển cao,...
Song, vị Giám đốc này cũng kỳ vọng, trong 6 tháng cuối năm thì bức tranh của của thế giới và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ có khởi sắc giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty tiến triển tốt hơn.
Khoản lỗ lũy kế cùng với việc tăng các khoản phải thu làm cho lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Vicem Hà Tiên âm gần 338,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 298 tỷ đồng.
Cụ thể, các khoản phải thu tại ngày 30/6 của Vicem Hà Tiên tăng 94%, đạt 967,7 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng và tăng khoản trả trước cho người bán.
Dòng tiền âm làm cho lượng tiền mặt tại cuối quý II của công ty giảm 50% so với đầu năm còn 337,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng giảm 14%, còn 897,2 tỷ đồng, phần lớn do giảm nguyên liệu, vật liệu.
Ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại cuối quý II tăng 2%, đạt 1.053 tỷ đồng, tập trung tại các dự án như Khu nhà ở CBCNV - nhà máy xi măng Bình Phước (200,5 tỷ đồng), dự án B.O.T Phú Hữu (537,7 tỷ đồng) và các dự án tại Kiên Lương (207,4 tỷ đồng).
Xét về dòng vốn, tổng nợ tài chính tính tới ngày 30/6 của đơn vị là 2.142 tỷ đồng, tăng 16%, tất cả là khoản vay ngắn hạn. Công ty không công bố cụ thể các khoản vay này. Nhờ tăng tiền từ đi vay, nên lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính trong kỳ của công ty dương 187,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 286 tỷ đồng.
Vốn điều lệ cũng giảm từ 5.113 tỷ đồng còn 4.941 tỷ đồng.