Ngành xây dựng hạ tầng có khối lượng thi công lớn trong năm 2023, có khả năng thiếu hụt VLXD

Giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Khối lượng thi công lớn trong năm 2023

Cập nhật về ngành xây dựng hạ tầng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 là 2,9 triệu tỷ đồng, cao hơn so với các chu kì đầu tư trước đó.

Giai đoạn 2023 – 2024 dự kiến sẽ là các năm trọng điểm giải ngân trong chu kì đầu tư với nhiều dự án quy mô lớn được triển khai nhờ nhiều dự án lớn tồn đọng từ chu kì đầu tư 2016 – 2020 đã dần hoàn thiện từ cuối năm 2022, tạo điều kiện cho việc bắt đầu triển khai các dự án thuộc chu kì đầu tư 2021 – 2025.

Hoạt động giải phóng mặt bằng tại các dự án quan trọng như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2… được tách ra thành dự án độc lập, vì vậy có thể được triển khai trước khi các dự án chính được chấp thuận đầu tư và giúp đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án. Do đó, gia tăng nguồn việc cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông.

Nguồn: VCBS.

Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng tồn đọng thuộc chu kỳ đầu tư trước đang được đẩy mạnh tiến độ hoàn thiệu. Đối với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đã có 2 dự án khánh thành, 3 dự án được thông xe kỹ thuật và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4/2023. 7 dự án còn lại kỳ vọng sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2023 - 2024.

Đối với hạ tầng giao thông đô thị, các dự án tại Hà Nội đang được đẩy mạnh khá tốt tiến độ thi công với nhiều dự án sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2022 - 2023. Trong khi đó, các dự án giao thông hiện hữu tại TP HCM sẽ cần thêm ít nhất 2 - 3 năm để hoàn thành. 

Nguy cơ thiếu hụt vật liệu xây dựng trong năm 2023

Mặt khác, kế hoạch đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021 – 2025 tập trung nhiều tại khu vực phía Nam sau nhiều năm khu vực trên không được cải thiện nhiều về hệ thống giao thông, song được dự báo nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vật liệu đắp, đặc biệt tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Nguyên nhân là khu vực này có trữ lượng cát san lấp đạt chất lượng thi công hạn chế, chủ yếu tập trung tại khu vực thượng lưu sông. Trong khi đó, đặc điểm nền đất yếu, nhiều phù sa yêu cầu khối lượng vật liệu đắp cho các dự án cao tốc cao hơn so với thông thường.

Đề án nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp thay thế sẽ cần thêm thời gian để chứng minh tính khả thi và áp dụng từng phần. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong các năm qua chưa phát triển nhiều trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng, do vậy thiếu hụt các nguồn cung tại chỗ và hệ thống các doanh nghiệp, nhà thầu phụ trợ.

Giá vật liệu đắp tại các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 dự báo sẽ cao hơn giai đoạn 1 do khoảng cách vận chuyển vật liệu trung bình cao hơn đáng kể do thiếu hụt nguồn cung cấp, giá dầu Diesel neo cao và chính sách hạn chế tải trọng xe đặt áp lực mạnh lên chi phí vận chuyển.

Việc kiểm soát chi phí và đảm bảo nguồn cung vật liệu sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt đối với các nhà thầu trong chu kì đầu tư mới. Các nhà thầu không đủ năng lực có thể sẽ gặp những khó khăn trong tiến độ và biên lợi nhuận.

VCBS cho rằng các gói thầu xây lắp mới trong chu kì đầu tư 2021 – 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn. Điều này đến từ việc quy mô mỗi gói thầu xây lắp cao hơn so với chu kì đầu tư trước do chủ trương không chia nhỏ các gói thầu để quản lý chất lượng và lọc bỏ các nhà thầu năng lực yếu.

Các nhà thầu có nguồn lực tài chính tốt sẽ duy trì hoạt động mua vật liệu và đảm bảo tiến độ xây dựng khi giá thị trường diễn biến bất lợi, có lợi thế khi đàm phán với các nhà cung cấp.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.