"Đây là giống nho phù thủy ngọt thanh, này là táo sweetie giòn thơm, nếm thử nho quả cầu đỏ Tây Ban Nha nhé", vừa nói, Phạm Thiện Hoàng, chủ thương hiệu trái cây nhập khẩu GreenSpace Store - thoăn thoắt bày những loại trái cây mọng nước ra chiếc đĩa để người mua ăn thử tại một cửa hàng ở quận 5, TP HCM.
Điểm đặc biệt của tất cả trái cây được xếp lên kệ cửa hàng là có đầy đủ giấy chứng nhận, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mà trước đó, để đủ điều kiện xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam, anh cho biết, những quả táo, nho, cherry ấy trải qua quá trình chăm sóc công phu, kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, nhiều lần, khiến anh ngỡ ngàng.
Vừa trở về từ những trang trại lớn nhất tại Washington (Mỹ), anh Hoàng mới hiểu rằng vì sao nơi đây là vùng trồng táo ngon nhất thế giới.
Thiên nhiên ưu ái tạo nên những vùng thung lũng đầy màu mỡ với một bên là núi chắn gió, một bên là con sông cung cấp nguồn nước sạch. Lớp đất núi lửa, khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ mùa hè 15-16 độ C trở thành điều kiện lý tưởng cho những loại cây ôn đới.
Anh Phạm Thiện Hoàng tại các vườn táo.
Một hạt mầm gieo lên rồi trở thành cây táo trĩu quả, không chỉ nhờ vào ưu đãi của thiên nhiên, mà còn phụ thuộc vào giống, quy trình trồng trọt. Để có những giống cây tốt, như táo chỉ mới cao 1 m là quả đã ra trĩu cành, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ủy quyền cho nhiều đơn vị nghiên cứu, trồng thử nghiệm rồi bán lại cho nông dân. Cán bộ khoa học xuống tận nông trại hướng dẫn mọi người cách trồng cây, ươm mầm thế nào là tốt nhất.
Mùa đông, nếu nhiệt độ quá thấp, nhiều băng giá, người nông dân dùng các tấm bạt để chăng lên, sưởi ấm cho cây. Riêng với cây cherry, mùa mưa tới, nước thấm vào sẽ làm nứt trái. Vậy nên chủ nông trại sẽ thuê luôn trực thăng để bay phía trên nông trại, quạt xua mưa và sấy khô trái cherry.
Mỗi giống táo có phương pháp chăm sóc đặc thù. Ví như những vườn táo đỏ, người nông dân dùng lớp màng nhựa để phủ lên cây, che ánh nắng. Vì khi nắng chiếu trực tiếp, táo sẽ mất sắc tố đỏ, nhạt màu và ngả vàng. Ở vùng đất mới thì dùng tấm màng phủ lên đất, khoét lỗ rồi ươm hạt giống vào đó để chống thoát hơi nước, dồn dinh dưỡng vào cây.
Khí hậu khô ráo và nhiệt độ lí tưởng còn làm giảm bệnh dịch cũng như sâu bọ, côn trùng có hại. Nhờ vậy hạn chế nhu cầu về các biện pháp kiểm soát côn trùng, sâu bệnh như phun thuốc trừ sâu, hóa học. Thay vào đó, họ sử dụng thiên địch, như chim bắt sâu, các loài ăn kiến, cào cào hay thậm chí là phân bón sinh học đuổi côn trùng.
Người nông dân còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị như Hiệp hội táo để quảng bá, đưa thương hiệu táo Washington đi khắp thế giới. Nếu nhà vườn không có dây chuyền đóng gói riêng thì sau khi thu hoạch sẽ gửi đến các công ty đóng gói. Nghề bán hàng rất phát triển với lượng nhân viên hùng hậu, luôn sẵn sàng giúp đẩy mạnh lượng tiêu thụ cho các nhà vườn, không cần lo lắng trồng xong không ai mua. Những năm mất mùa chính phủ sẽ hỗ trợ cho nông dân, đảm bảo cuộc sống.
Đề cao trách nhiệm, người nông dân tại Washington cam kết giảm thiểu những tác động tới môi trường đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho những vườn cây ăn trái của những thế hệ kế tiếp.
Mùa táo kéo dài trong 3 tháng, sau khi thu hoạch, cây sẽ được nghỉ ngơi, đất để trống chứ không trồng xen canh, thâm canh các loại cây khác để tạo thêm thu nhập. Trong thời gian này, cây vẫn được tỉa cành, xới đất, bón phân. Tương tự với cherry, trái ra đúng mùa, thu hoạch xong thì được nghỉ ngơi, tái tạo lại.
Giữ gìn tài nguyên còn là tôn chỉ của người nông dân. Con sông hiền hòa chảy, nước được giữ sạch, lòng sông không bị múc cát đi nên hai bên bờ vun vào, không có hiện tượng xói mòn, sạt lở. Nước sông tưới cây không bị hút lên ồ ạt theo các ống bơm mà xây dựng hệ thống tưới đi vào từng gốc cây, nước nhỏ giọt, vừa đủ làm ướt gốc nhưng vẫn tiết kiệm nước.
Mỗi năm, USDA sẽ đến các nông trại để kiểm tra đột xuất một lần. Chỉ cần thấy có dư lượng hóa chất, trừ sâu là sẽ cấm vườn xuất khẩu trong một năm. Trước khi được xuất đi, các lô hàng cũng được kiểm tra một lần nữa, kiểm từ độ nén, độ ngọt, bóng bẩy, màu sắc... Nguồn đất, nước cũng được kiểm tra định kỳ, tránh việc ô nhiễm.
Những ông chủ nông trại cũng có trách nhiệm với nông dân của họ. Khi thấy nhân viên đi làm, con của họ ở nhà không ai trông thì có người tự bỏ tiền ra xây khu nhà ở giá thấp để người nông dân và gia đình có thể thuê, yên tâm làm việc.
Những quy trình trên được áp dụng với phương pháp thông thường, còn với phương pháp hữu cơ, tiêu chuẩn áp dụng còn cao hơn nữa. Đầu tiên, đất trồng trọt phải bỏ trống trong vòng 3 năm. Sau đó, USDA kiểm nghiệm chất lượng, xác định loại đất đó có đạt để trồng thực phẩm hữu cơ thì mới tiến hành trồng. Cơ quan này cũng đưa cho các hộ nông dân danh sách, trong đó quy định rõ phương pháp hữu cơ cần những gì, giống này phải dùng loại phân nào, những thứ không được dùng... Đơn vị cũng cung cấp phân sinh học cho các nhà vườn để nông dân không dùng các loại phân khác.
Sau khi trồng, phải vượt qua hết mọi kiểm tra thì nhà vườn mới đạt giấy chứng nhận hữu cơ. Chứng nhận này chỉ có hiệu lực trong 1-2 năm, sau đó USDA sẽ thực hiện kiểm tra lại từ đầu trước khi cấp mới. Vì vậy các loại trái cây hữu cơ thường có giá cao gấp đôi so với thông thường.
Chính nhờ sự công phu và trách nhiệm trong quy trình trồng trọt, mỗi năm có hơn 100 triệu thùng táo (mỗi thùng khoảng 18 kg) từ Washington đến với người dùng tại hơn 50 quốc gia.
Các thùng táo sau khi thu hoạch, chuẩn bị được chở về nhà máy.
Từ nông trại đến tay người tiêu dùng, các loại trái cây phải trải qua khâu kiểm định chất lượng và đóng gói. Các thương hiệu lớn tại Washington đều đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng nhà máy đóng gói. Đơn cử như FirstFruit - đơn vị phân phối cho GreenSpace Store đã xây dựng nhà máy rộng khoảng hơn 600.000 m2, đầu tư gần 500 triệu USD với hệ thống máy móc tự động.
Vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo ở khâu trồng trọt và cả đóng gói. Công nhân làm việc, cứ 15-30 phút là phải rửa tay để tránh nhiễm khuẩn cho trái cây, mang đồ bảo hộ đầy đủ...
Mỗi loại trái cây, như táo, lê, cherry sẽ được đóng gói bằng một dàn máy riêng, thiết kế theo đúng kích thước của từng loại. Trái cây thu hoạch theo mùa nên dàn máy cũng hoạt động theo mùa, trong khoảng 3 tháng. Ví dụ như táo, vào mùa chín sẽ được nông dân lập tức hái xuống, tránh việc chín rộ, rơi rụng làm hao hụt năng suất. Quá trình thu hoạch thực hiện bằng tay, không dùng máy để duy trì chất lượng, bảo vệ trái khỏi việc bầm tím, dập nát. Trái táo được nâng niu, đưa lên xe tải và vận chuyển về nhà máy.
Các thùng táo được làm sạch bằng máy để chà bớt bụi bẩn, sâu bọ rồi đem rửa, sấy loại bỏ tạp chất. Khi đã sạch, táo được đưa vào dây chuyền phân loại theo kích thước, chất lượng sau đó đi qua máy cắt lớp với khả năng chụp 60 hình ảnh trong một giây nhằm xác định điều kiện bên trong của trái táo. Những trái không đáp ứng tiêu chuẩn về độ giòn và tình trạng sẽ bị tiêu hủy, nếu đạt chất lượng tốt sẽ chuyển sang dán tem, đóng thùng.
Táo đi vào máy chụp cắt lớp.
Trong tự nhiên, táo hình thành một lớp sáp để tự bảo vệ. Sau khi thu hoạch, để giúp duy trì khả năng này và chống thoát ẩm, giập nát, vi khuẩn, táo được phủ một lớp hỗn hợp sáp tự nhiên (tương tự sáp ong). Lúc này táo có thể bảo quản 0-2 độ C suốt 3-4 tháng vẫn thơm ngon.
Khi chưa có đơn hàng, táo sẽ được phủ thêm một lớp màng rồi đưa vào trạng thái ngủ đông, tránh việc giảm phẩm chất trái táo, ức chế các tế bào, giảm quá trình thoát hơi nước rồi bảo quản trong kho lạnh. Các lớp sáp phủ lên táo đều được USDA chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể ăn được và không gây hại cho sức khỏe.
Những trải nghiệm đặc biệt tại thủ phủ trái cây của Mỹ đã trở thành bài học và chiến lược cho GreenSpace Store.
Đến thăm các nông trại, ở đâu, anh Phạm Thiện Hoàng cũng dừng lại nếm thử. Thế nên anh đã tìm ra giống táo mới sweetie - giòn như gala, ngọt hơn fuji và thơm hơn envy, kết hợp đầy đủ những ưu điểm mà người Việt thích nhất.
Ăn một quả, anh cảm thấy vị giác vỡ òa, ngay lập tức kí hợp đồng độc quyền với FirstFruit tại toàn thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Hương vị thơm ngon nhưng giá cả phải hợp lí mới có thể thu hút người dùng, vậy nên ở đợt đầu tiên ra mắt, giá bán của sweetie dưới 100.000 đồng.
Anh cũng tìm ra trái lê Mỹ có hương vị giòn, ngọt như ổi và sẽ đưa về Việt Nam trong thời gian tới. Để khi nhắc về GreenSpace Store, người dùng tự khắc nhớ về những loại trái cây tốt, sạch, lạ, an toàn, giá phải chăng, có giấy tờ đầy đủ.
Ngoài việc đưa các giống nho lạ, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như phù thủy organic, viên ngọc trời Mỹ, anh cũng muốn gửi gắm đến người dùng: đừng quá quan tâm về cuống nho phải xanh. Đây là trải nghiệm của chính anh khi thăm các cửa hàng, siêu thị tại Mỹ.
Khi ghé đến các quầy nho, thấy cuống đều bị khô, đen, anh Hoàng liền đặt câu hỏi với các chuyên gia của Mỹ. Họ đưa ra câu trả lời, dù bảo quản tốt đến đâu, chỉ sau 30 phút từ khi cắt khỏi cây, cuống nho sẽ bắt đầu héo và 2-3 ngày sẽ khô lại, thâm đen.
Vậy có cách gì để cuống vẫn xanh sau 7-10 ngày? Đặt câu hỏi, anh Hoàng nhận được một thắc mắc ngược lại: mọi người ăn cuống hay ăn nho vì không có cách nào hết, trừ phun thuốc. Thực tế, chỉ có cuống là bị khô đi, còn chất lượng trái nho vẫn giòn, ngọt nhờ quá trình bảo quản, vận chuyển nghiêm ngặt.
Những bài học từ các nông trại lớn như dùng phương pháp tự nhiên để giữ phẩm cấp cho trái táo, phòng ngừa và xử lý các nguyên nhân gây hỏng táo... cũng được anh nghiên cứu và áp dụng cho chính cửa hàng của mình.
Ở một tầm nhìn xa hơn, nỗ lực của ông chủ 8X là trong năm 2019 hoàn thiện bảng kế hoạch xây dựng chuỗi 10 cửa hàng trái cây sạch toàn quốc. Trong đó có những vùng như Cần Thơ, Vũng Tàu... Nhắc về miền Tây, anh Hoàng tự tin sẽ tạo dấu ấn khi đem đến nguồn trái cây ngoại an toàn cho những người dùng vốn chỉ quen thưởng thức trái cây nội.