Toàn cảnh trường Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. (Ảnh: Lâm Viên).
Những ngày vừa qua, ban giám hiệu Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thông báo tạm ngưng đón khách tham quan nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
Theo ông Lê Phỉ, nhà nghiên cứu về Đà Lạt, nơi này trước đây có tên gọi là Trường trung học Yersin, được xây dựng vào năm 1930, hoàn thành năm 1932, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và trông coi việc xây dựng.
Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, người tìm ra cao nguyên Lâm Viên, khai sinh ra Đà Lạt ngày nay. Đến năm 1935 trường có tên Lycée Yersin.
Và từ năm 1976 đến nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và hiếm có không chỉ ở nước ta mà được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.
Trường có kiến trúc kết cấu độc đáo, đường nét thanh nhã, hài hòa. Cũng theo ông Lê Phỉ, ý tưởng của Moncet muốn đưa một số đường nét kiến trúc quê hương của bác sĩ Yersin vào (kiến trúc của TP.Morges, Thụy Sĩ), do đó trường có tháp chuông, mái đứng, vòm hành lang chạy quanh và uốn cong.
Điểm nhấn của trường là dãy lớp học hình vòng cung và tháp chuông cao. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, còn mái được lợp bằng ngói cũng của Pháp. Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có một đồng hồ nhưng có lẽ đã bị tháo dỡ.
Du khách chỉ có thể thấy vết tích của chiếc đồng hồ lớn còn in lại trên nền gạch. Bên trên tháp chuông cũng không còn quả chuông do bị tháo dỡ đã lâu.
Một số hình ảnh Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt xưa và nay:
Di tích nổi tiếng Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt tạm 'đóng cửa' Chụp và tung ảnh khỏa thân tại Đà Lạt lên internet: Sẽ xử lý theo luật An ninh mạng Quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Diện tích công trình phá dỡ nhiều hơn xây mới.