![]() |
Nghệ nhân tạc tượng 'tặng' cho người đã khuất |
Xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cách trung tâm thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) gần 20km, khu vực tập trung đông đúc đồng bào người Nùng sinh sống. Với con đường đất đỏ, trời nắng bụi mù trời, mưa xuống lại lầy lội, trơn trượt chúng tôi lần tìm đường về thôn 5 (xã Cư M’gar).
![]() |
Ông Hoàng Văn Làm được người con trai trao mảnh vải đen trong lễ cúng giỗ ở tuổi 85. Ảnh: Trang Anh. |
Ông Hoàng Văn Pháo, Bí thư thôn 5 cho biết, đồng bào Nùng ở đây chủ yếu di cư từ Cao Bằng vào Đắk Lắk sinh sống từ những năm 1980. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, nuôi thêm con lợn con gà để tăng thu nhập. Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
“Người Nùng có nhiều nét văn hóa đặc sắc như cúng mùa, sao giải hạn cầu an, cầu mong gia đình mạnh khỏe, mùa màng bội thu, hát then, hát đối mừng thọ... Đặc biệt, người Nùng còn có nét văn hóa đặc sắc là cúng giỗ cho người sống vẫn còn lưu giữ từ bao đời nay”, ông Pháo cho hay.
Theo quan niệm người Nùng, từ 60 tuổi trở đi, những người đã lập gia đình, có con cháu thường bắt đầu được tổ chức lễ "cúng sống" hay còn gọi là “cúng giỗ cho người sống”. Còn với những người sống độc thân, mặc dù họ có thọ hơn trăm tuổi cũng không được tổ chức lễ lần nào, vì theo quan niệm của họ những người này “chưa trưởng thành”.
Lễ "cúng" được tổ chức đúng vào ngày tháng sinh của các cụ, nhưng không nhất thiết mỗi năm tổ chức một lần như "cúng giỗ" cho người đã mất. Từ xưa đến nay, các cụ người Nùng được cúng giỗ lần đầu vào năm 61 tuổi. Theo đó, vào ngày này gia đình “chủ giỗ” sẽ chuẩn bị mâm cúng gồm: gà, xôi, bánh kẹo... và mời thầy cúng về làm lễ.
“Thầy cúng phải biết chữ Hán và có uy tín với bà con trong làng mới được gia chủ mời về làm lễ. Tại đây, thầy cúng báo cáo với tổ tiên chúc cho “chủ giỗ” sống lâu trăm tuổi, phát lộc phát tài... Cùng với đó, cầu cho con cháu vui vẻ, mạnh khỏe, thành công trong cuộc sống”, ông Pháo nói.
Cũng trong ngày giỗ, con cháu về tập trung đông đủ và chuẩn bị một mảnh vải màu tùy theo độ tuổi của chủ giỗ để ghi những lời chúc ý nghĩa.
“Khi làm lễ cho cụ tuổi 61 mảnh vải có màu đỏ, tuổi 73 mảnh vải màu vàng, tuổi 85 mảnh vải màu đen, kèm theo những lời chúc của con cháu được thêu tỉ mỉ vào đó”, ông Pháo chia sẻ.
Lễ “cúng giỗ” thường được tổ chức vào buổi tối, sau khi gia chủ và bà con hàng xóm ăn uống xong xuôi. Nghi thức gồm: thầy cúng đọc bài khấn chúc tụng sức khỏe cụ; con cháu chúc tụng “chủ giỗ”, tiếp đó các vị khách quây quần bên nhau, cùng nhau nhấp ché rượu cần...
Lễ “cúng giỗ” kéo dài hết đêm, qua trưa hôm sau mọi người lại tiếp tục quây quần bên nhau, ăn với gia chủ một bữa cơm đầm ấm, lúc này buổi lễ mới kết thúc.
![]() |
Bí mật bên trong ché rượu 'lẩu siêu' của người Thái
Mỗi khi có khách quý tới nhà, người Thái lại mang những ché rượu “lẩu siêu” (rượu cất) ra tiếp đãi. Bởi đây là loại ... |
Ông Hoàng Văn Làm (85 tuổi) đã trải qua ba lần làm “cúng giỗ” cho hay: “Vào ngày này, tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi khi con cháu về tề tựu đông đủ. May mắn thay, tôi đã được làm giỗ ba lần nên niềm hạnh phúc được nhân lên gấp nhiều lần. Ngày này, tôi được con cháu, bà con hàng xóm gửi những lời chúc ý nghĩa và thân thương nhất. Cứ qua một dịp cúng giỗ tôi lại thấy mình trẻ, khỏe thêm”, ông Làm tâm sự.
Đối với người Nùng, đây là dịp lễ quan trọng và đặc biệt để con cháu về tập trung đông đủ sau những năm tháng bôn ba và thời khắc quan trọng để chủ lễ cảm ơn người đã sinh thành ra mình, mời bà con hàng xóm đến chia sẻ niềm vui cùng với gia đình.
Ông Phan Thái Nguyên, trưởng thôn 5 cho biết, lễ “cúng giỗ” là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Nùng vẫn còn lưu giữ sau khi từ Miền Bắc di cư vào đây sinh sống.
“Đây là một nét văn hóa tiêu biểu để gắn bó, làm khăng khít tình cảm anh em của đồng bào dân tộc Nùng. Từ đó, những người thân trong gia đình, bà con hàng xóm gặp mặt, tâm sự với nhau về những vui buồn trong cuộc sống”, ông Nguyên chia sẻ.