Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến mất

Theo các nhà khoa học, nếu mực nước dâng cao 2 m vào cuối thế kỷ này, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi gần 1/2 diện tích đất liền; trong vòng 100 năm nữa, khu vực này có thể biến mất khỏi bề mặt Trái đất.

Theo báo cáo "Tác động của biến đổi khí hậu đối với di cư và sơ tán", đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Nile, đồng bằng Ganges (Bangladesh) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng.

Theo đó, nếu mực nước dâng cao 2 m vào cuối thế kỷ này, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi gần 1/2 diện tích đất liền; trong vòng 100 năm nữa, khu vực này có thể biến mất khỏi bề mặt Trái đất.

dong bang song cuu long co the bien mat

Đập thủy điện Tiểu Loan (Vân Nam, Trung Quốc) trên dòng Mekong cao tới 292 m - Ảnh: MQR Photo

Các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới vừa đề xuất 4 nhóm giải pháp để bảo vệ nông nghiệp, môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia tại hội thảo quốc tế "Bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái vì sự phát triển bền vững khu vực sông Mekong" do Diễn đàn Mekong về Nước, Năng Lượng và Lương thực (GMF) vừa tổ chức tại Yangon, Myanmar cuối tuần qua.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà khoa học đến từ các nước Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia, Việt Nam, cũng như từ nhiều cơ quan, tổ chức như Viện Di sản thiên nhiên (Mỹ), Viện Giáo dục nước quốc tế Hà Lan, Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Liên bang Đức…

Các nhà khoa học nhất trí rằng, phải bảo vệ nguồn nước sông Mekong vì nó đóng vai trò quyết định đối với ngành nông nghiệp của khu vực. Họ cũng nhất trí rằng, phải bảo vệ châu thổ sông Mekong vì nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho các nước tiểu vùng sông Mekong nói riêng và thế giới nói chung.

Hai nguyên nhân chính

Thế nhưng, hạ nguồn sông Mekong ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, nguồn thủy sản suy giảm, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Nguyên nhân chính là tác động của biến đổi khí hậu, tác động của các nước phía thượng nguồn sông Mekong (xây dựng đập thủy điện, điều chỉnh dòng chảy…).

Theo số liệu thống kê của nhiều nước trong và ngoài khu vực, có tới 144 đập thủy điện đã hoặc đang được triển khai xây dựng hoặc đưa vào vận hành, trong đó có những đập thủy điện lớn được xây trên dòng chính sông Mekong. Các đập thủy điện ảnh hưởng dòng chảy, chế độ lũ, phù sa, bùn cát, chất dinh dưỡng, từ đó tác động nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp…

Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch đào kênh dẫn nước từ sông Lan Thương (phần sông Mekong chảy trên lãnh thổ nước này) vào sông Dương Tử. Thái Lan đã và đang xây dựng các hồ chứa và vận hành các máy bơm công suất lớn để lấy nước từ sông Mekong…

Theo Báo cáo Đánh giá môi trường Tiểu vùng sông Mekong của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), các dự án thủy điện trên dòng chính và các dự án chuyển nước sông Mekong sẽ làm giảm lưu lượng nước trong mùa khô; kết hợp ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao làm gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm hiện nay xuống 7 triệu tấn/năm; gia tăng xói lở bờ sông; triệt tiêu cơ hội mở rộng lãnh thổ tại đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, thủy sản biển, nước ngọt, nuôi trồng bị ảnh hưởng với ước tính tổn thất 0,5-1 tỉ USD/năm; sinh kế của 14 triệu nông dân-ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Bốn giải pháp

Tại hội thảo, TS Jaap Evers (Viện Giáo dục nước quốc tế Hà Lan) và TS Gregory Thomas (Chủ tịch Viện Di sản thiên nhiên Mỹ) kêu gọi các nước trong khu vực áp dụng các cơ chế hợp tác và phối hợp quản lý, chia sẻ, sử dụng tài nguyên nước sông Mekong hiệu quả hơn trong nông nghiệp cũng như sinh hoạt, duy trì sự phát triển bền vững của môi trường.

dong bang song cuu long co the bien mat

Cá heo sông Mekong có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: WWF

Các nhà khoa học cũng kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực thực hiện ít nhất 4 giải pháp.

Một là, đổi mới cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, cân bằng nước, phù hợp các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai.

Hai là, các khâu từ thiết kế đến quản lý vận hành nhà máy thủy điện ở thượng lưu cần phải xem xét hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng châu thổ Mekong.

Ba là, tăng cường quan trắc và theo dõi việc sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực. Số liệu quan trắc cần được chia sẻ cho các quốc gia trong lưu vực.

Bốn là, xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế thông qua Ủy ban sông Mekong và các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của sáu quốc gia trên lưu vực sông và bảo đảm việc sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.