Dự án đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư |
Mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Được biết, đây là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khoá XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai dự án, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng dự án này.
Báo cáo cho thấy, dự án được khởi công xây dựng Giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007, đã hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350km.
Từ cuối năm 2007, bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần (DAPT) thuộc Giai đoạn 2 để nối thông toàn tuyến với chiều dài khoảng 1.394 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bàng các dự án khác). Đến nay, đã triển khai thi công hoàn thành khoảng 790,3 km/1.394 km tuyến chính, đạt 56,7%.
Tháng 11/2016 đã khởi công xây dựng mới 3 DATP trên tuyến chính: Tuyến tránh huyện Ngân Sơn, tránh thị trấn Nà Phặc; Đoạn Chợ Mới - Chợ Chu thuộc dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn và Dự án cầu Bình Ca (bao gồm đường dẫn hai đầu cầu) với chiều dài khoảng 40,4 km và tổng mức đầu tư (TMĐT) là 2.380 tỷ đồng.
Tháng 12/2016 đã khởi công xây dựng mới 03 DATP trên các tuyến nhánh: Tuyến tránh đô thị Pleiku, tỉnh Gia Lai; tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk và đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng nối với đường Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 59,802 km và TMĐT là 1.499,463 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện 4 DATP trên các tuyến nhánh: nâng cao độ, mở rộng tuyến tránh thủy điện Plei Krông, tỉnh Kon Tum; tuyến tránh thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; tuyến tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai và tuyên tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk với chiều dài khoảng 61,2 km và TMĐT là 1.861 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh cũng gặp nhiều khó khăn như có đặc thù trải dài dọc các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước, từ Bắc vào Nam đi qua nhiều vùng địa hình, địa chất, khí hậu, thời tiết khó khăn và phức tạp.
Đặc biệt, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là tuyến đường huyết mạch chính của Tây Nguyên vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông, với đặc thù thòi tiết mùa mưa kéo dài, nên thời gian thi công ngắn.
Ngoài ra, nguồn vốn bố trí trung hạn 2016 - 2020 để triển khai các DATP còn lại rất khó khăn chưa bố trí được nguồn vốn ảnh hưởng đến thời điểm hoàn thành dự án.
Bộ GTVT cũng kiến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua đang chuẩn bị triển khai thi công như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Cà Mau... tiếp tục quan tâm chỉ đạo có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án cũng như thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; dự án Rạch sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130 km/TMĐT 16.216 tỷ đồng) do gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi nhà đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.
Tai nạn liên hoàn giữa hai xe khách và xe tải, nhiều người thương vong
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe khách và một xe tải trên đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận tỉnh Gia ... |