Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, năm 2022, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Trung ương là 55.051 tỷ đồng.
"Tính đến hết tháng 1/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 52.999 tỷ đồng, đạt 96,3% kế hoạch được giao.Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 còn lại khoảng 2.052 tỷ đồng chưa giải ngân hết", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất kéo dài kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước năm 2022 sang năm 2023 khoảng 1.303 tỷ đồng đối với 48 dự án để tiếp tục thực hiện giải ngân.
Trong đó, có 10 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia. Có 8 dự án đã thi công hoàn thành trong năm 2022 nhưng không bố trí kế hoạch năm 2023, cần kéo dài kế hoạch vốn để thực hiện kiểm toán, quyết toán hoàn thành dự án.
Có 10 dự án; trong đó có 1 dự án ODA là dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ đề xuất kéo dài kế hoạch vốn đối ứng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong quý I năm 2022, ảnh hưởng đến huy động thiết bị, nhân lực thi công; công tác bàn giao mặt bằng tại một số địa phương chậm; giá cả vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào biến động tăng cao; thời tiết bất lợi. Mặc dù, nhiều biện pháp cần thiết đã được đưa ra nhưng chưa hoàn thành việc giải ngân kế hoạch năm 2022.
Có 12 dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn; trong đó có 3 dự án ODA đề xuất kéo dài kế hoạch vốn đối ứng. 4 dự án thu hồi ứng trước chưa được thực hiện trong năm 2022 do việc theo dõi thông tin về chủ đầu tư dự án chưa chính xác; việc thực hiện đối chiếu số liệu khó khăn do các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực tiếp thực hiện thay đổi, giải thể, gồm: dự án đầu tư xây dựng Cảng Ninh Phúc giai đoạn 1; Báo cáo đầu tư dự án đường vành đai 3 Mai Dịch- Nội Bài, Lập dự án xây dựng đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu, quốc lộ 21B (Km0 - Km41).
Ngoài ra, có 4 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đến năm 2022, gồm: Nâng cấp mở rộng quốc lộ 15A đoạn qua Khu di tích Truông Bồn, tỉnh Nghệ An; Nâng cấp quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3; Nâng cấp quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, tỉnh Hà Nam và Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, các dự án chưa hoàn thành được trong năm 2022, cần kéo dài kế hoạch giải ngân sang năm 2023 để hoàn thành.
Bên cạnh các dự án cần kéo dài thời gian thực hiện giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất phương án xử lý khoảng 749 tỷ đồng không giải ngân hết của 58 dự án gồm: 10 dự án ODA, 26 dự án trong nước đã hoàn thành không còn nhu cầu bố trí vốn và 22 dự án trong nước đang tiếp tục thực hiện, đã được bố trí đủ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2023.
Đối với nhóm dự án nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép hủy dự toán năm 2022, nhưng không hủy kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn cho các dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đang có nhu cầu bổ sung kế hoạch trung hạn để tiếp tục thực hiện.
Riêng dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 37 đoạn từ Km280-Km340 - Yên Bái và nâng cấp quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - thành phố Yên Bái (Km79+00 - Km96+500), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hai dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2022.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vật tư, vật liệu tăng cao nên dự án chưa hoàn thành được trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn của 2 dự án này đến hết năm 2023 để tiếp tục thực hiện, hoàn thành dự án theo đúng quy mô được duyệt, tránh gây đầu tư dở dang, lãng phí vốn đầu tư.