Theo Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT, đơn vị này vừa làm việc với lãnh đạo Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang về tuyến đường Vành đai 4.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng với sự phát triển kinh tế rất lớn của Vùng Thủ đô, việc triển khai nghiên cứu và trình dự án quan trọng Vành đai 4 ở thời điểm này cũng là chậm so với yêu cầu.
Ông Thể đánh giá, việc phát triển các đường cao tốc thì tỉnh nào cũng cần, nhưng nếu so sánh, tuyến đường Vành đai 4 là quan trọng bậc nhất vì nó sẽ góp phần liên kết vùng giữa Hà Nội với nhiều tỉnh liên quan.
Bộ trưởng GTVT cho rằng, nếu không quyết tâm đẩy nhanh, làm sớm, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì về sau càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao.
Theo vị này, Hà Nội và các tỉnh cần đẩy nhanh thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT cũng đồng tình việc kiến nghị Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng một lần, tránh kéo dài nhiều đợt gây ách tắc dự án và chi phí phát sinh tăng cao.
Tại buổi làm việc nêu trên, các đơn vị liên quan cũng thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; đồng thời, nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng Quốc lộ 18 (phía Bắc Sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có chiều dài khoảng 98 km đi qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Về cơ cấu nguồn vốn, lãnh đạo Hà Nội cho biết dự kiến đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỷ đồng cho 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Các địa phương có tuyến đi qua ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia một phần kinh phí đầu tư xây dựng phần đường dưới thấp (dự kiến 50.000 tỷ đồng/3 địa phương). Toàn bộ kinh phí còn lại (ngoài phần kinh phí Trung ương và địa phương cân đối bố trí khoảng 50%) là phần vốn của nhà đầu tư BOT (khoảng 50%).