Theo tờ VOV, sáng 29/4, Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ trì hội nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết một trong số những nội dung cần giải quyết trong chương trình hành động đó là tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề rác thải.
Cụ thể, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra tại đường vành đai 3 hiện nay đang là vấn đề bức xúc của người dân. Vì vậy cần xây dựng đường vành đai 4 để giải quyết tình trạng này, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị, thu hút đầu tư.
Về nguồn lực, lãnh đạo Thành ủy cho biết sẽ sử dụng một phần ngân sách là nguồn vốn, còn lại vận dụng các phương thức huy động nguồn lực pháp luật cho phép, trước mắt là phục vụ việc giải phóng mặt bằng.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thường trực thành ủy Hà Nội cơ bản thống nhất với chủ trương làm đường vành đai 4 với mặt cắt ngang 120 m, 2 tầng, tầng trên là đường cao tốc, tầng dưới để kết nối với các đô thị sau này.
Quy hoạch đường vành đài 4 sẽ làm cùng với quy hoạch đường sắt và quy hoạch phân khu. Dự kiến thời gian tới Hà Nội sẽ làm việc với thường trực 4 tỉnh liên quan gồm Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang thống nhất phương án về đường vành đai 4 để báo cáo Chính phủ.
Đường vành đai 4, vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch ngày 29/7/2011 với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh. Nhu cầu vốn đầu tư toàn tuyến vành đai 4 khoảng 66.500 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, đường vành đai 4 có quy mô cao tốc 6 làn xe với chiều dài 98 km. Trong đó, đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 53,9 km; đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài khoảng 18,8 km; đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh chiều dài khoảng 21,2 km.