Chiều 8/11, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được nhiều câu hỏi về phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Ông khẳng định, dù biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến khu vực này, nhưng "chưa có cơ sở khoa học để kết luận trong 30 - 50 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh, thành sẽ ngập dưới mực nước dâng".
"Thông tin nêu trên mới là một nghiên cứu chưa có sự thẩm định, chưa có cơ quan Nhà nước nào kết luận như vậy", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu dẫn chứng đất nước Hà Lan có nhiều diện tích nằm dưới mực nước biển 1,5 m, song vẫn phát triển nhờ có biện pháp ứng phó tốt, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cũng "phải biến nguy cơ từ biến đổi khí hậu, từ nước mặn thành thời cơ".
Thủ tướng cũng cho hay đã làm việc với Uỷ hội sông MeKong để đấu tranh về việc không nên phát triển nhiều thuỷ điện ở thượng nguồn; đề xuất này nhận được ủng hộ của nhiều nước. "Tuy nhiên, Uỷ hội sông MeKong nói với tôi rằng, các bạn nên nhớ đất nước Israel là sa mạc, không có nước, nhưng bây giờ đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, xuất khẩu nhiều nông sản ra thế giới. Chúng ta phải biến nguy cơ thành thời cơ là như vậy", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 8/11. (Ảnh: Ngọc Thắng)
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị tại Cần Thơ, xuống thực địa và lắng nghe ý kiến chính quyền địa phương cũng như các nhà khoa học; ban hành nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2017. Tới đây, Chính phủ sẽ sơ kết lần hai quá trình thực hiện nghị quyết này để kiểm điểm những việc làm được, chưa làm được và bổ sung chủ trương, giải pháp cần thiết.
Ông thông tin thêm, để thúc đẩy sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối địa phương trong vùng. Trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng sẽ sớm thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ đã có kế hoạch bố trí 16.700 tỉ đồng cho các dự án phát triển đồng bằng Sông Cửu Long; sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỉ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).
Tại phiên chất vấn, đề cập đến việc nhà máy nước sạch sông Đà bị đổ chất thải đầu nguồn nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng "có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia".
Ông Nhưỡng đề xuất Chính phủ ba việc, trước hết là xử lí nghiêm các vi phạm; hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; xây dựng luật về sản xuất và cung ứng nước sạch. "Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình", ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, về vấn đề trên, ông đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện đúng quy định trong Luật quản lí tài nguyên nước 2012; làm tốt hơn công tác quy hoạch, quản lí an ninh nguồn nước, đảm bảo an toàn cho người dân, tránh tình trạng nước bị nhiễm dầu như vừa qua. "Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân về phát triển kinh tế đêm, Thủ tướng nói đây là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới; góp phần thúc đẩy tiêu dùng, tạo thêm nhiều việc làm và tăng trưởng. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là đô thị lớn quan tâm đến kinh tế đêm.
"Chúng ta cần tìm giải pháp để thu hút du khách nhiều hơn, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, để du khách sớm quay lại như nhiều nước châu Á đã làm", ông nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng kinh tế đêm có những mặt trái, nên các cơ quan chức năng phải quản lí tốt, không để xảy ra tiêu cực. "Hiện nay Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế đêm tốt hơn; Cần Thơ về đêm vẫn sầm uất; tuy nhiên còn một số địa phương khác đến 22h thì không còn hoạt động kinh tế, giải trí", Thủ tướng cho hay.
Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ, hôm 29/10 công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, cho thấy số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng sẽ tăng gấp ba lần (khoảng 150 triệu người, trong đó có 20 triệu người Việt) vào năm 2050.
Đặc biệt, phần lớn diện tích của TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long có thể gần như biến mất do bị ngập nước.
Tuy nhiên sau đó, PGS Huỳnh Thị Lan Hương, Viện phó Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thông tin này "chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên nhiều giả định cực đoan cùng lúc".