Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) mới đây cho biết doanh thu trong tháng 11/2020 đạt khoảng 9.200 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng 10 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu nhờ sự tăng trưởng doanh thu khả quan của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) và Điện Máy Xanh (ĐMX).
Lợi nhuận sau thuế riêng tháng 11 đạt 316 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với tháng 10 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.
MWG cho biết tính đến ngày 30/11/2020, chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS) đã có mặt tại 37/63 tỉnh thành với tổng số 169 cửa hàng, trong đó có 62 cửa hàng mở mới trong tháng 11. Lũy kế từ khi bắt đầu triển khai đến hết tháng 11, ĐMS mang về hơn 450 tỷ đồng cho MWG, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán BSC nhận định sự phát triển nhanh chóng của chuỗi ĐMX lớn (~300 cửa hàng) và ĐMX mini đã giúp MWG đạt được mốc 40% thị phần sản phẩm điện tử tiêu dùng. Trải qua 5 năm với nhiều lần thử - sai - sửa, hai mô hình trên đã đưa MWG có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành.
Theo BSC, Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2021, với mục tiêu hướng tới (1) Thị trường còn “trống” mô hình kinh doanh hiện đại; và (2) Các phân khúc, nhóm khách hàng chưa tiếp cận.
Dự kiến đến cuối năm 2021, chuỗi ĐMS có thể đạt 1.000 cửa hàng, mật độ phủ bình quân khoảng 15-20 cửa hàng/tỉnh. Đến năm 2022, ban lãnh đạo MWG đặt ra mục tiêu cho ĐMS đạt 2.200 cửa hàng.
Tuy nhiên, Chứng khoán BSC cũng đưa ra hai vấn đề đáng lưu ý đối với MWG và ĐMS nói riêng.
Thứ nhất, việc đẩy mạnh mở rộng chuỗi có thể sẽ phải đi kèm theo các chương trình kích cầu, khuyến mãi giảm giá để thu hút người tiêu dùng mới. Thứ hai, dư địa trong việc tiết giảm chi phí như năm 2020 không còn nhiều, chủ yếu đến từ giảm lương cấp lãnh đạo và nhân viên cũng như các chủ nhà hỗ trợ chi phí mặt bằng trong vài tháng giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh.
Hiệu quả lợi nhuận gộp của ĐMS đạt 23%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 4,6% cao hơn so với các chuỗi ĐMX hiện tại. Nguyên nhân là (1) Giá thuê mặt bằng của ĐMS rẻ hơn, (2) Mô hình hoạt động chuẩn hóa All-in-one; và (3) Hệ thống kho bãi, logistics tận dụng của chuỗi ĐMX mini.
BSC nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành điện tử tiêu dùng trong năm 2021 thông qua sức cầu và thói quen chi tiêu của khách hàng. Điều này ít nhiều sẽ tạo ra thách thức đối với xu hướng phục hồi chung của ngành.
Tuy nhiên, những thay đổi mà đại dịch mang đến cũng là “cơ hội” để ĐMX mở rộng thị phần và thâm nhập sâu hơn vào các vùng xa hơn khi các chuỗi bán lẻ lớn tạm hoãn việc mở rộng cửa hàng mới hoặc thu hẹp quy mô, còn các cửa hàng thuộc diện nhỏ lẻ không đủ khả năng tài chính sẽ biến mất.
Về phần Bách Hóa Xanh, chuỗi này sẽ cố gắng duy trì việc tăng độ phủ tại thị trường hiện hữu và mở rộng mô hình cửa hàng diện tích lớn tại khu vực đô thị các tỉnh miền Nam. Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu nâng tổng số cửa hàng vận hành đạt mốc 2.500 vào cuối năm 2021.
Việc nhân rộng các cửa hàng diện tích lớn thông qua mở mới các shop 5 tỷ và nâng cấp từ những cửa hàng nhỏ lên cửa hàng lớn sẽ giúp cho Bách Hóa Xanh cải thiện doanh thu, tăng độ thu hút đối với khách hàng, BSC nhận định.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất 99.304 tỷ đồng (tăng 7%), lợi nhuận sau thuế 3.599 tỷ đồng (tăng 2%), biên lợi nhuận ròng lũy kế 3,6%. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và 104% mục tiêu lãi sau thuế của cả năm 2020.
MWG cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 125.000 tỷ đồng và 4.750 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 14% và 38% so với kế hoạch năm 2020.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá kế hoạch này là khá thận trọng trong bối cảnh mức cơ sở thấp 2020 của doanh thu từ chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và kỳ vọng biên lợi nhuận cải thiện tại Bách Hóa Xanh trong năm 2021.