Cục Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản vừa cho biết: Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 1068/NHNN-TD ngày 13/02/2018về việc cung cấp thông tin tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến quý IV/2017 là 471.022 tỷ đồng (tăng 5,5% so với Quý III/2017).
Trong đó 102.413 tỷ đồng nằm trong dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở (tăng 20,7% so với quý III/2017).
Tiếp đó là dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 50.026 tỷ đồng (giảm 6,2% so với Quý III/2017).
Ngoài ra, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản cho vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay là 100.083 tỷ đồng (tăng 7,0% so với Quý III/2017).
Cục này cho biết; Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản liên tục tăng từ 2015 đến nay, chiếm khoảng 8% tổng dư nợ và vẫn ở trong ngưỡng an toàn.
Tuy vậy, một số chuyên gia đã có ý kiến đánh giá cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái thắt chặt hoạt động huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản, nhưng cho vay bất động sản thường có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất cho vay có thể cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh.
Do đó, khi có cơ hội, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung cho vay nhiều đối với lĩnh vực bất động sản. Khi dòng vốn dành quá nhiều đối với lĩnh vực này sẽ đẩy giá bất động sản tăng cao.
Để kiểm soát tốt dòng vốn cho vay bất động sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải xác định lại về khái niệm cho vay tiêu dùng, không nên tính khoản cho vay mua nhà là cho vay tiêu dùng, bởi vì đây là hình thức đầu tư bất động sản; chỉ nên tính khoản vay để sửa chữa nhà hoặc thuê nhà là khoản vay tiêu dùng.