Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc thi cử giờ đây lại trở nên "dễ dàng" với sự trợ giúp của những chiếc tai nghe siêu nhỏ, bút camera, đồng hồ...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi ngỏ ý muốn mua dụng cụ hỗ trợ thi cử thì người nhân viên bán hàng đưa ra ngay sản phẩm tai nghe không dây siêu nhỏ thông dụng, kết hợp với thiết bị hỗ trợ qua một loại máy nhỏ hơn gói thuốc lá, có giá 3.000.000 đồng; và một loại máy khác chỉ to bằng chiếc thẻ ATM giá 4.000.000 đồng.
(Ảnh minh hoạ) |
Nhắn tin cho một chủ hàng khác chuyên bán thiết bị hỗ trợ thi cử hỏi thuê thì người này liền gợi ý: “Nếu thuê thì có loại máy kích cỡ bằng gói thuốc lá giá thuê 350.000 đồng/ngày, loại máy kích cỡ bằng thẻ ATM giá thuê 500.000 đồng/ngày. Đặt cọc 2.000.000 đồng”.
Tai nghe không dây với dạng bút có thể viết được ra mực (giá 3,8 triệu đồng), đồng hồ điện tử thông minh có thể lưu giữ tài liệu bên trong.
Đặc biệt, có loại tai nghe không dây kết nối với điện thoại di động (giá gần 5 triệu đồng), được ưa chuộng vì tiện lợi, khó phát hiện.
(Ảnh minh hoạ) |
Nhân viên một cửa hàng tại Hà Nội cho biết, có thiết bị khác rẻ hơn nhưng khi đi thi phải mang điện thoại vào trong phòng thi để kết nối với thiết bị nhỏ đưa vào tai.
Thiết bị này thường được sinh viên, đặc biệt là sinh viên tại chức mua. Còn đối với thí sinh thi THPT quốc gia hoặc ĐH tuyệt đối không được mang điện thoại, kể cả không bật nguồn nên dùng loại ngụy trang thẻ ATM, sim điện thoại là an toàn nhất.
“Với loại thẻ đời mới này, thí sinh sẽ không phải mang điện thoại vào phòng thi mà vẫn nhận được thông tin nhờ cục thu sóng gắn vào sim bên trong cái thẻ. Thí sinh chỉ cần bỏ thiết bị vào trong lỗ tai, thiết bị này sẽ được kết nối với bên ngoài rất bí mật, không ai có thể phát hiện được. Bên ngoài chỉ việc đọc đáp án vào, âm thanh nghe rất rõ. Thời gian sử dụng mỗi lần lên tới 3 giờ” nhân viên này nói.
(Ảnh minh hoạ) |
Khi chúng tôi thắc mắc với những môn thi trắc nghiệm thì không thể đọc từng câu hỏi và đáp án ra ngoài phòng thi được, như thế sẽ dễ bị lộ, nhân viên này mách thêm 'bí kíp': “Tốt nhất là mua thêm một chiếc bút camera giá 400.000 đồng để chụp đề thi gửi ra ngoài, như thế thì thí sinh chỉ cần ngồi rung đùi mà nghe đáp án thôi' anh chủ hàng nói.
Tại một cửa hàng khác của anh L, các loại tai nghe siêu nhỏ rao bán do nước ngoài sản xuất, không nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Những ngày này khách hỏi mua cũng tương đối.
Loại thiết bị tai nghe siêu nhỏ dưới dạng thẻ ATM có kích thước tương đồng và in dòng chữ "Mastercard" trên thân để ngụy trang như thẻ ATM bình thường, có khe cắm thẻ sim, kết nối không dây với một tai nghe loại nhỏ có kích thước khoảng 1,2 cm, hoạt động như một thiết bị nghe, gọi độc lập.
Ngoài ra, một số chủ buôn cho biết, để mua được những loại thiết bị nay không khó, chỉ cần điện thoại đặt hàng là hôm sau có và sẽ có người mang đến tận nơi, khi khách nhận hàng thì mới phải thanh toán.
Theo quảng cáo trên trang một Facebook, ngoài các loại tai nghe siêu nhỏ có dây dẫn, hiện có hai loại tai nghe siêu nhỏ với kích cỡ chỉ bằng hạt đậu và đầu bút bi, không dây dẫn, có chức năng kết nối với điện thoại và dùng như một tai nghe thường, có nghĩa là nghe gọi, có mic nói chuyện hoặc nghe nhạc, nghe ghi âm thoải mái.
(Ảnh minh hoạ) |
So với những loại tai nghe có dây dẫn thì loại tai nghe siêu nhỏ này không để lộ phần tai nghe ra ngoài. Chỉ cần bỏ vòng dây phát vào trong người, cho hạt tai nghe vào trong tai là có thể nghe được mà không bị phát hiện.
Vì hạt tai nghe chỉ nhỏ như hạt đậu nên khi dùng, người ngoài nhìn vào tai cũng không thấy. Khi sử dụng xong, sẽ dùng nam châm để hút hạt tai nghe ra.
Theo quy chế thi của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các thí sinh có thể sẽ bị đình chỉ, cấm thi hoặc hủy kết quả khi bị phát hiện mang các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình và các thiết bị có thể chứa đựng thông tin gian lận khi vào phòng thi. Tại khoản 2, Điều 88 - Luật Giáo dục quy định các hành vi mà người học không được làm, trong đó có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh. Và nếu người học thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013, quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác và phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi. Còn đối với người kinh doanh thiết bị, công nghệ phục vụ việc gian lận trong thi cử, nếu những thiết bị này không có giấy chứng nhận đăng ký, sẽ bị xử phạt hành chính, theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 sửa đổi bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định. |