Cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) được xây dựng theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng, chạy song song với quốc lộ 1A.
Đường có bề rộng 25 mét, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 100 km/giờ. Điểm đầu là Km 45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km108+500, nối với điểm cuối QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.
Tuyến đường này dự kiến thu phí trong 17 năm (từ 2020 đến 2037). Có 5 mức thu phí với các phương tiện, thấp nhất dự kiến là 2.000 đồng/km, cao nhất là 7.500 đồng/km.
Dải phân cách giữa ở nhiều đoạn đang được công nhân sử dụng máy đổ bê tông cứng, cao hơn một mét. Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ: "Tuyến đường đã cơ bản hoàn thành 90% các hạng mục. Những khối lượng còn lại, sẽ hoàn thành cơ bản để thông xe kĩ thuật trước 30/9/2019. Nếu kết thúc trong tháng 9 nghĩa là vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch được giao".
Đoạn đường qua cầu vượt ngã tư Kế (Bắc Giang) đang gấp rút thi công rải nhựa bất kể thời tiết. Hiện toàn tuyến vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành như đoạn qua tỉnh Bắc Giang chưa thi công móng, mặt đường, chưa lao lắp xong dầm cầu Hương Sơn và chưa thi công đoạn đường gom dân sinh qua gầm cầu, nắp thoát nước. Trong thời gian tới, công ty tập trung hoàn thành bê tông nhựa toàn tuyến trước ngày 15/9.
Trong quá trình thi công, hàng chục quả núi, đồi bị cắt xẻ để mở đường. Việc thi công trên địa bàn kéo dài, phức tạp về địa chất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở, lún nứt nên các yếu tố kĩ thuật được tính toán kĩ.
Lan can phân cách cứng bằng kim loại được gia cố dọc tuyến.
Điểm vào ra cao tốc thuộc huyện Chi Lăng đang được hoàn thiện. Nhà đầu tư đang gấp rút chuẩn bị để đủ điều kiện để tổ chức thông xe kĩ thuật trước ngày 30/9 và đưa vào khai thác trong tháng 1/2020. Đường cao tốc này nằm trong quy hoạch của đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn nối từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) và sẽ kết nối với tuyến cao tốc quốc tế Hữu Nghị-Nam Ninh, của Trung Quốc nhằm tăng cường phát triển kinh tế xã hội và thông thương giữa hai nước.