Bảng cảnh báo đường đang theo dõi lún trên đường vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh, TP.HCM - (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG).
Nhiều đường ở TP.HCM được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng... có hiện tượng lún. Đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào sử dụng gần 10 năm qua, đến nay vẫn tiếp tục "chờ lún".
Nhiều người chạy xe trên đường Bình Thuận - Chợ Đệm (H.Bình Chánh, TP.HCM) dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An, Tiền Giang) có cảm giác đây là con đường mất an toàn khi mặt đường có nhiều đoạn bị sóng trâu, võng, lún gây nguy hiểm cho xe cộ đi qua.
"Đường đang theo dõi lún"
Anh Nguyễn Văn Thành, tài xế chạy xe tuyến Kiên Giang - TP.HCM, bày tỏ không khỏi bị ức chế mỗi khi xe chạy vào tuyến đường Bình Thuận - Chợ Đệm, đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Anh Thành cho biết trên đường này có rất nhiều ống cống đặt ngầm ngang đường. Dù vận tốc cho phép trên tuyến đường chỉ 60 km/h, cứ đạp ga một cái rồi lại phải hạ ga, bởi nếu không, xe sẽ bị "vấp" ngay vào gờ ống cống ngang đường.
"Đây là đoạn đường "chờ lún", nên đã lún cả gần chục năm nay mà vẫn chưa hết lún. Mặt đường lún miết nên tạo thành gờ xóc nơi tiếp giáp giữa mặt đường và các mép cống. Nếu không quen đường, tài xế không kịp giảm ga thì xe sẽ nhảy chồm lên, ầm xuống mỗi khi chạy lên hệ thống ống cống đặt ngầm dưới mặt đường. Xe long sòng sọc, xót ruột lắm!", anh Thành than thở.
Tuyến đường Bình Thuận - Chợ Đệm được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Và từ đó đến nay, trên tuyến đường này được cắm biển báo "đường đang theo dõi lún", bởi đường còn xuất hiện nhiều điểm lún nặng. Ôtô chạy trên dưới 60 km/h vẫn nhảy chồm lên mỗi lúc đi qua đoạn có cống thoát nước băng ngang đường, dù bác tài đã chủ động giảm tốc độ để xe bớt xóc.
Mỗi lần xe lên dốc cầu, khách trên xe như bị hất tung lên, vì đoạn tiếp giáp giữa đường dẫn bị lún so với mố cầu tạo thành gờ xóc. Đó là những nỗi bức xúc của tài xế khi thường xuyên đi trên tuyến đường này.
Tuyến đường Võ Văn Kiệt từng được xem là đẹp nhất TP.HCM (kéo dài từ trung tâm TP về huyện Bình Chánh) cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Mặt đường ngay giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con (quận 1) do bị lún đã phải sửa chữa nhiều lần. Thế nhưng, đoạn đường này vẫn thỉnh thoảng bị đọng nước một số điểm sau mưa.
Trên cung đường Mai Chí Thọ (quận 2), một số đoạn cũng bị hư hỏng. Đặc biệt là đoạn đường đi vào cảng Cát Lái, nhiều vết lún hằn bánh xe khiến mặt đường lồi lõm dù đã được sửa chữa nhiều lần.
Riêng tại đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ Kha Vạn Cân - Khu công nghiệp Linh Xuân (quận Thủ Đức), do mặt đường bị võng xuống nên thường xuyên ngập nước. Chỉ một cơn mưa nhỏ, nơi đây đã bị ngập khá sâu trong nước, cản trở việc đi lại của người dân.
Theo ghi nhận tại đoạn đường trên (hướng đi từ trung tâm TP về Khu công nghiệp Linh Xuân), sau mỗi cơn mưa lớn, mặt đường thường bị ngập sâu khoảng 20cm, kéo dài cả 200-300m.
Anh N.V.Minh (kỹ sư làm việc trong một công ty lắp ráp ôtô) - người đi làm về mỗi ngày trên đường Phạm Văn Đồng - cho rằng có thể chính việc đường bị lún nên mới gây ra mặt đường bị võng xuống và trời mưa là đọng nước.
"Đây là khu vực có đất nền khá chắc, cứng, nhưng tôi không hiểu sao đường có dấu hiệu bị lún sau một thời gian đưa vào sử dụng. Phải chăng thi công chưa đạt, hay khi thiết kế, các đơn vị chưa tính toán được các thông số kỹ thuật nên thi công đường không đạt như thực tế đặt ra", anh Minh nêu thắc mắc.
Chưa biết khi nào hết lún
Trước thực trạng có quá nhiều đường "chờ lún" hiện nay, nhiều người đặt vấn đề: với việc đầu tư hàng ngàn tỉ đồng mà sao đường vẫn bị lún, ngập nước. Phải chăng là do công trình được thi công kém chất lượng?
Giải thích về vấn đề trên, với tuyến đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Bùi Trần Cường - trưởng phòng hạ tầng 4, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng tuyến đường được xây dựng trên nền đất yếu. Tại các vị trí đường vào cầu, cống không xây dựng sàn giảm tải, nên đã xảy ra tình trạng lún mặt đường. Năm 2012, khi trung tâm tiếp nhận tuyến đường trên đã có biển báo "đường đang theo dõi lún".
Theo ông Cường, bởi tuyến đường trên vẫn đang lún, nên nay trung tâm vẫn tiếp tục duy trì các biển báo "đường đang theo dõi lún", và lắp thêm biển báo hạn chế tốc độ tối đa cho phép xe lưu thông là 60 km/h. "Dù chúng tôi thường xuyên duy tu, sửa chữa, tình trạng lún trên tuyến đường này" vẫn xảy ra, ông Cường nói.
Vậy bao giờ tuyến đường này mới hết lún và không còn phải cắm biển báo "đường đang theo dõi lún"? TÔng Bùi Trần Cường giải thích: Rất khó trả lời, vì thời gian để một con đường hết lún rất dài!
Và đây cũng là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các cơ quan chức năng khi đề cập việc sụt lún ở một số con đường khác.
"Cần thêm thời gian để nền đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương ổn định. Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi, bù lún tại các vị trí tiếp giáp giữa mặt đường với các mố cống ngang và các cầu trên tuyến đường, đảm bảo mặt đường êm thuận về an toàn giao thông", ông Cường nói thêm.
Khắc phục lún để chống ngập
Nói thêm về hiện tượng lún, đọng nước trên đường Võ Văn Kiệt, ông Sử Đăng Hoài, trưởng phòng quản lý dự án thuộc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết tuyến đường này được thiết kế từ trước năm 2000. Lúc đó, đỉnh triều cường thấp hơn so với hiện nay.
Thứ hai là đường được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 nên mặt đường đã bị xuống cấp, lão hóa nhựa, rạn nứt như mạng nhện. Do đó ở một số đoạn cao độ, mặt đường bị lún xuống. Trung bình cao độ của tuyến đường này còn 1,4m, một số đoạn lún nên cao độ mặt đường chỉ còn 1,2m (trong khi đỉnh triều hiện 1,7m) nên gây ngập.
Theo ông Hoài, trong năm 2015, 2016, trung tâm đã cải tạo cục bộ tuyến đường Võ Văn Kiệt bằng cách nâng cao độ mặt đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng, việc cải tạo các vị trí lún trong thời gian vừa qua đã gây nên lồi lõm về cao độ mặt đường. Từ đó gây mất mỹ quan và xe di chuyển không êm thuận trên đường Võ Văn Kiệt là vậy.
Trong năm 2018, cùng trên tuyến đường này, trung tâm đã triển khai thi công sửa chữa đoạn từ nút giao Tân Kiên đến cầu Lò Gốm (Q.6, 8 và Bình Tân) với kinh phí hơn 88 tỉ đồng và sửa chữa nâng cao độ mặt đường đoạn từ Lò Gốm đến giao lộ Ký Con (Q.1, 5 và 6) với kinh phí gần 55 tỉ đồng nhằm khắc phục đọng nước, ngập do mặt đường lún, sụt.
Ông Hoài cũng chia sẻ thêm: sau 8 năm đưa vào sử dụng, đường Võ Văn Kiệt đoạn từ cầu Lò Gốm đến nút giao Tân Kiên bị lún từ 0,3-0,5m. Đơn vị tư vấn thiết kế đã có kiểm toán lún sau khi nâng cao độ mặt đường. Kết quả cho thấy cao độ mặt đường có khả năng lún 10cm trong thời gian 5 năm đầu tiên sử dụng, sau đó mặt đường được giữ ổn định.
Như vậy, mặt đường lún rất ít, không cần tiếp tục nâng cao độ mặt đường trong những năm tới.
Không kịp xây cửa xả nên ngập kéo dài
Vì sao một đoạn đường Phạm Văn Đồng do nhà đầu tư Hàn Quốc thiết kế và thi công mới đưa vào sử dụng cách đây mấy năm đã bị ngập nước một đoạn dài gần 300m? Một cán bộ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho biết đó là do lỗi của địa phương chậm giải tỏa nên nhà đầu tư nước ngoài không thể chờ đợi để xây dựng được cửa xả thoát nước, dẫn đến mặt đường ngập nước. Hiện nay với lượng mưa trên 60mm thì đoạn đường này bị ngập từ 15-20 phút.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã đề xuất giải pháp tạm thời là tháo một dải phân cách ở giữa đường để nước ngập trên làn đường xe lưu thông hướng từ đường Kha Vạn Cân về nút giao Linh Xuân đổ qua làn đường chiều ngược lại. Và hạ thấp mặt vỉa hè trên làn đường từ nút giao Linh Xuân về đường Kha Vạn Cân để nước thoát xuống khu đất trống bên đường. Hiện nay, Ban quản lý dự án huyện Thủ Đức đang lập dự án đầu tư hệ thống thoát nước nhằm giải quyết cơ bản ngập nước trên đoạn đường Phạm Văn Đồng.
N.ẨN
TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức - ĐH Việt Đức):
Chọn cách chống lún tùy nền đất
Chính tình trạng lún mặt đường gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Các sự cố này cần được sớm khắc phục, không thể để kéo dài từ năm này qua năm khác. Bởi vì sự cố lún càng kéo dài, kết cấu toàn bộ công trình nhanh chóng xuống cấp hơn.
Tôi biết hầu hết các nước trên thế giới đều ứng dụng ba phương pháp chống lún đường là sử dụng bấc thấm gia cố nền đất yếu, cọc bêtông chống lún hoặc xây cầu cạn. Một số công trình lớn, đường cao tốc ở Việt Nam cũng đã áp dụng các phương pháp này đem lại hiệu quả hạn chế lún khá tốt.
Tuy nhiên, với những phương pháp này, kinh phí đầu tư sẽ rất cao. Phương pháp bù lún dần vẫn được ưu tiên áp dụng cho các tuyến đường dân sinh. Tuy nhiên phương pháp này thường sẽ phải mất thời gian hơn do phải chờ lún, bù lún thường xuyên theo thời hạn định kỳ.
Chính vì vậy, đối với các công trình đường cao tốc, đường huyết mạch... các đơn vị nên nghiên cứu địa chất, cân nhắc chọn phương án chống lún thực sự phù hợp ngay từ đầu. Trước khi bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư cần có nhiều đợt thăm dò địa chất để xác định kết cấu nền đất. Từ đó đơn vị thi công sẽ vạch ra phương án chờ lún, bù lún thích hợp nhất với nền đất. Có thể thấy phương pháp chống lún rất quan trọng, cần xử lý lún trước khi xây. Chúng ta không đợi "nước tới chân mới nhảy", đường lún nghiêm trọng mới tính đến phương án khắc phục.
PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng (phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM):
Không thể tiếp tục chờ lún mãi
Nước ta hiện vẫn chưa có quy định chờ lún chung cho toàn bộ các dự án, công trình. Công tác chờ lún, quy tắc bù lún và thời gian bù lún tùy thuộc vào từng tuyến đường. Ngoài ra, quy trình chờ lún, bù lún mỗi tuyến đường phải căn cứ vào nhiều yếu tố như độ dài đoạn đường, lượng phương tiện, môi trường... Đây cũng là một điểm hạn chế, nhiều công trình phải chờ lún suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, theo tôi, các tuyến đường như đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ Đông - Tây... đều là đường cửa ngõ, tác động lớn tới phát triển kinh tế, thông thương giữa các vùng miền. Do đó, tình trạng lún không thể tiếp tục kéo dài, cũng không thể tiếp tục chờ lún như vậy mãi. Nguyên nhân chính dẫn tới đường lún như vậy là do đường xây dựng trên nền đất lún, lại không xây sàn giảm tải. Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần khẩn trương xử lý lún, đồng thời định kỳ bảo trì, bù lún cho các tuyến đường nói trên.
Về lâu dài, chúng ta phải sớm có quy định cụ thể về thời hạn chờ lún, thời gian khắc phục lún để các đơn vị thực hiện xây dựng, bảo trì đường bộ tốt hơn. Hạn chế các sự cố lún những công trình thường gặp phải trong những năm qua.
Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Ảnh hưởng lớn đến vận tải
Thời gian qua, nhiều tuyến đường cửa ngõ TP chỉ mới đưa vào hoạt động đã xuống cấp, lún nứt... gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải. Đặc biệt các tuyến đường Phạm Văn Đồng, đại lộ Đông - Tây, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương... xuất hiện dấu hiệu lún khiến doanh nghiệp vận tải vô cùng lo lắng.
Tình trạng đường hư hỏng kéo dài dẫn đến hệ lụy ngập nước, ổ gà... khiến quá trình đi lại của xe tải, xe container trở nên khó khăn hơn, tốc độ di chuyển chậm. Từ đó kéo theo các vấn đề như tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, xe dễ bị hư hỏng hơn, chi phí cho mỗi chuyến hàng tăng lên... Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu than phiền vì xe cộ hỏng hóc liên tục khi đi trên các tuyến đường trên.
Theo tôi, TP.HCM phải sớm sửa chữa những đoạn đường hư hỏng, bù lún mặt đường định kỳ để đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải đi lại, phát triển.