Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã hoàn thành được khoảng 27% tổng khối lượng công trình - (Ảnh: M.TRƯỜNG)
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã công bố quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Lí do chính là số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Thay vào đó, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án trên.
Theo Thứ trưởng Đông, sau khi công bố hủy sơ tuyển nhà đầu tư quốc tế, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo cho các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ về việc này, đồng thời khẩn trương hoàn thành hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi để phát hành hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư vào tháng 10-2019.
"Tính cạnh tranh khi đấu thầu trong nước đến nay chúng tôi chưa khẳng định được vì chưa biết sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư tham dự. Cũng có thể trước kia thấy có nhà đầu tư nước ngoài thì họ không tham gia nhưng bây giờ trong nước chơi với nhau thì có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia hơn. Khi sơ tuyển nhà đầu tư quốc tế đến tháng 7/2019 cũng mới biết có 60 ứng viên nộp hồ sơ" - ông Đông nói.
Ông Đông thừa nhận việc hủy sơ tuyển nhà đầu tư quốc tế để sơ tuyển nhà đầu tư trong nước vào vòng đấu thầu sẽ làm tiến độ triển khai dự án chậm hơn.
Về một số ý kiến cho rằng nên giảm tiêu chí về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của nhà đầu tư để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Đông khẳng định: "Nghị quyết 52 của Quốc hội và nghị quyết 20 của Chính phủ về dự án cao tốc Bắc - Nam là làm theo quy định pháp luật và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải tối thiểu 20% tổng mức đầu tư nên chúng tôi không thể sửa được quy định này. Nghị quyết của Quốc hội xác định không bảo lãnh doanh thu, vốn vay cho nhà đầu tư nên vẫn thực thi đấu thầu chọn nhà đầu tư "lời ăn, lỗ chịu", tức là không có bảo lãnh của Chính phủ".
Tuy nhiên, theo ông Đông, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có thể điều chỉnh một số tiêu chí như kinh nghiệm nhà đầu tư trong việc làm đường cao tốc khi nước ta mới có khoảng 900km đường cao tốc. Do đó nhiều nhà đầu tư chưa từng tham gia thực hiện các dự án đường cao tốc.
"Nghị quyết 52 quy định dự án đường cao tốc Bắc - Nam có 11 dự án thành phần. Trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án thành phần theo hình thức PPP hợp đồng BOT. Các dự án này đã chốt điểm đầu điểm cuối nên không thể thay đổi, chia nhỏ dự án để đấu thầu lại. Nếu thay đổi nghị quyết Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện. Còn về mặt kinh tế, chọn dự án từ đâu tới đâu là phù hợp khả năng kết nối và thu phí. Không thể làm 5km rồi thu phí được.
Nếu chia nhỏ có khi làm đường nối với quốc lộ lại dài hơn cao tốc sẽ đầu tư thì không có hiệu quả tài chính. Về lí do pháp lí, kĩ thuật và kinh tế đều không cho phép chia nhỏ dự án" - Thứ trưởng Đông khẳng định.
Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, một phần trong tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: TẤN LỰC(
Với kịch bản đấu thầu nhưng không chọn được nhà đầu tư, ông Đông cho rằng đã được Quốc hội xem xét nên nghị quyết 52 quy định trong trường hợp dự án không có nhà đầu tư thì báo cáo Thường vụ Quốc hội quyết định. Cái này đã rõ về chủ trương nên không có chỉ định nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về khả năng huy động vốn ngân hàng trong nước cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Đông thừa nhận nguồn tín dụng rất khó khăn trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đặc biệt cung cấp gói tín dụng giá trị lớn.
"Các dự án BOT trước đây cung cấp tín dụng cao lắm 3.000 tỉ đồng, phổ biến là hơn 1.000 tỉ đồng/dự án. Các dự án đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Chi Lăng - Đồng Đăng, Vân Đồn - Móng Cái cần 7.000 - 8.000 tỉ đồng trở lên hiện cũng đang gặp khó khăn khi vay vốn. Do vậy, với đường cao tốc Bắc - Nam cũng khó tránh khỏi tình trạng này. Vì thế, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp để ngân hàng có thể cung cấp tín dụng được dựa trên quy định pháp luật và tính khả thi dự án" - ông Đông cho biết.
Ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định doanh nghiệp đầu tư dự án quan trọng quốc gia mà vốn hạn chế và cũng không có phương án huy động vốn thì tốt nhất không nên tham gia.
Phản đối ý kiến nên cho doanh nghiệp lấy quyền thu phí dự án BOT để làm tài sản đảm bảo khi vay ngân hàng, ông Kiên cho rằng làm như vậy sẽ giẫm vào vết xe đổ của nhiều ngân hàng hiện nay khi phải đang rao bán loại tài sản đảm bảo này để thu hồi nợ.
"Nếu doanh nghiệp nào không có khả năng, nhất là tiềm lực tài chính thì đừng tham gia dự án BOT cao tốc Bắc - Nam" - ông Kiên nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "trao vốn" ngân sách hỗ trợ cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và chỉ đạo ngày 30/4/2021 phải khánh thành. (Ảnh: TTXVN)
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi kiểm tra thực địa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sáng 27/9.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Mai Mạnh Hồng - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, doanh nghiệp thực hiện dự án - cho biết thời gian qua nhà đầu tư đã huy động khoảng 2.500 tỉ đồng để tham gia vào dự án, ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Tiền Giang để triển khai.
Đến nay đã hoàn thành khoảng 27% khối lượng dự án. Tuy nhiên, dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là vốn.
Sau khi nghe doanh nghiệp báo cáo tiến độ thi công của dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định đồng ý bố trí nguồn vốn 2.186 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2018 cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, đồng thời chỉ đạo dự án cần thực hiện đúng tiến độ để ngày 31/12/2020 thông tuyến và đến ngày 30/4/2021 khánh thành chính thức đưa dự án vào sử dụng.
M.TRƯỜNG - H.THƯƠNG
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (phó trưởng khoa vận tải - kinh tế, ĐH Giao thông vận tải):
Khó nhất: năng lực tài chínhVề kĩ thuật thi công, các doanh nghiệp - nhà đầu tư Việt Nam đã thực hiện được những dự án đòi hỏi kĩ thuật cao. Nếu nhà đầu tư Việt Nam trúng thầu thì họ có quyền thuê nhà thầu nước ngoài thi công dự án cho mình.
Do vậy năng lực thi công không phải là vấn đề khó. Vấn đề đáng quan tâm và còn tranh luận là năng lực tài chính. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính để có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư dự án.
Vậy đầu bài đặt ra là có nên giảm tỉ lệ này hay không và nếu giảm thì cần cân nhắc, tính toán giảm đến mức nào chứ không phải giảm vô điều kiện.
Về khả năng vay vốn ngân hàng, cần đặt bài toán để ngân hàng thấy nguồn vốn được an toàn và có lợi nhuận để họ cho vay.
Dự thảo Luật đối tác công - tư hiện nay đặt vấn đề Nhà nước cam kết chia sẻ rủi ro với tư nhân đến mức độ nào khi ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Còn khi doanh thu dự án PPP vượt ngưỡng tính toán thì tư nhân chia sẻ ngược lại với Nhà nước. Khi ràng buộc như vậy thì sẽ thuyết phục được ngân hàng cho vay.
Để đáp ứng vốn chủ sở hữu 20% tổng mức đầu tư dự án, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ liên doanh với nhau hoặc chia lại dự án ở mức độ hợp lí hơn về tổng mức đầu tư. Lúc đó bài toán kinh tế và kĩ thuật sẽ được điều chỉnh. Còn về chất lượng, kĩ thuật thì nguyên tắc bất dịch là không được thay đổi vì lí do gì.
Ông Phạm Văn Cường (phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - BOT Cai Lậy): Cần luật hóa đầu tư BOT
Chủ trương cho nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam là hoàn toàn phù hợp. Nhưng thực tế cho thấy các nhà đầu tư trong nước vẫn chưa mặn mà tham gia vào dự án này.
Để hấp dẫn, Chính phủ phải luật hóa đầu tư BOT vì hiện nay chính sách liên quan đến đầu tư BOT chủ yếu dựa trên nghị định, thông tư... nên chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy, rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình huy động vốn ngân hàng và thu hồi vốn.
Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực kinh tế lớn. Hồ sơ mời thầu sơ tuyển phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng. Giả sử dự án cần 10.000 tỉ đồng, nhà đầu tư phải có ít nhất 2.000 tỉ đồng vốn tự có, phần vốn còn lại vay
ngân hàng. Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư "nội" đang gặp khó khăn về vốn, các ngân hàng đang siết chặt vốn tín dụng với dự án BOT, khả năng cho vay thêm là không nhiều.
Hơn thế nữa, sau khi nhà đầu tư hoàn thành tuyến đường, quá trình thu hồi vốn sẽ kéo dài từ 17-20 năm. Trong quá trình đó, số tiền thu được phải ưu tiên trả nợ ngân hàng. Như vậy, trong giai đoạn trả nợ ngân hàng, nhà đầu tư sẽ rơi vào bế tắc tài chính. Lợi nhuận từ dự án lại không cao nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Bùi Đức Thụ (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia):
Với dự án lớn và quan trọng quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, một trong những điều kiện đầu tiên để lựa chọn các nhà thầu là năng lực tài chính phải đảm bảo.
Tránh tình trạng của nhiều dự án BOT quốc lộ thời gian vừa qua là chọn thầu chỉ chọn giá thấp mà chưa chú ý các tiêu chí trong đó có năng lực tài chính của nhà thầu. Đến khi triển khai, vốn đầu tư chủ yếu dựa vào vay ngân hàng, khi ngân hàng siết vốn, dự án lao đao theo.
Trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng giảm dần hạn chế tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, để có nguồn vốn dài hạn, các DN tham gia dự án BOT có thể thông qua thị trường chứng khoán để phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN mới huy động được nguồn vốn dài hạn.
Vừa qua, hệ thống ngân hàng thương mại, DN bất động sản, điện mặt trời... huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cần phải tính toán mức lãi suất trái phiếu vì thời hạn vay dài, 15-20 năm, lãi suất sẽ cao.
Ngoài các phương án trên, để đảm bảo năng lực tài chính, các DN có thể liên kết lại với nhau để cùng tham gia dự án này. Điều cần lưu ý là các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ quy định để tổ chức đấu thầu, ngăn chặn tình trạng hình thành quân xanh quân đỏ, dẫn đến nâng được giá thầu, gây bất lợi cho Nhà nước.
TH.DUNG - L.THANH