'Nhà đầu tư nội làm cao tốc Bắc - Nam là tốt, nhưng không nên để mình Bộ GTVT chấm thầu'

PGS TS Phạm Xuân Mai đã chia sẻ quan điểm như vậy khi trao đổi xung quanh việc chọn nhà đầu tư làm cao tốc Bắc - Nam.

IMG_5301

Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế với dự án cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Hủy sơ tuyển quốc tế, nhà thầu nội có cơ hội

Ngày 24/9, Bộ GTVT đã phát đi thông tin về việc quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ này, điều này nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư Dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

"Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lí liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp", Bộ GTVT cho biết.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cho biết theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

"Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao", Bộ GTVT đánh giá.

Theo tìm hiểu, quá trình quá trình sơ tuyển bắt đầu từ tháng 5/2019. Đáng chú ý, trong số các hồ sơ dự thầu phân nửa là nhà đầu tư Trung Quốc đứng độc lập hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù việc hủy sơ tuyển nêu trên có thể khiến nhiều nhà đầu tư nội có cơ hội nhưng thực tế chưa hẳn dễ dàng.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết vốn đầu tư dự án đường cao tốc ở mức khá cao; vốn điều lệ phải 20% tổng mức đầu tư.

Ông Đông cho rằng, các nhà đầu tư trong nước cũng có khả năng tham gia, cũng như họ phải liên kết tham gia một số dự án nhất định trong quá trình đầu tư.

IMG_5225

Cử tri đề nghị Bộ GTVT cần chọn nhà thầu có tầm, có năng lực làm cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Giám sát độc lập dự án cao tốc Bắc - Nam

Về dự án cao tốc Bắc - Nam, cử tri tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, lựa chọn nhà thầu có tầm, có năng lực để thi công các công trình tránh tình trạng chọn nhà thầu không có năng lực dẫn đến chất lưọng công trình kém, thời gian thi công kéo dài, đội vốn lớn làm ảnh hưởng đến kinh tế, lợi ích của người dân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế, PGS.TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Quản lí Giao thông, Đại học Bách khoa TP HCM nói đây là điều tốt.

"Trong nước làm là tốt, tránh được câu chuyện nhà thầu Trung Quốc với một số dự án chậm tiến độ, chất lượng kém như vừa qua", ông Mai nói.

Theo ông Mai, khi đấu thầu trong nước cần tuyển chọn kĩ càng, chặt chẽ các nhà đầu tư.

"Tôi cho rằng nên giao cho Quốc hội giám sát tuyến cao tốc này chứ không thể giao cho Bộ GTVT.

Thậm chí, Nhà nước có thể lập hội đồng thẩm định độc lập với các nhà đầu tư, thay vì chỉ mình Bộ GTVT chấm thầu", PGS. TS Phạm Xuân Mai cho biết.

Lí giải việc cần lập hội đồng thẩm định độc lập, ông Mai cho biết, tình trạng nhà đầu tư "tay không bắt giặc" xảy ra ở nhiều dự án BOT giao thông. Ngoài ra, tình trạng nhà đầu tư trúng thầu sau đó bán lại cũng không phải hiếm. 

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế Trung ương, cao tốc Bắc - Nam là dự án có yếu tố đặc biệt, nếu để nhà thầu nước ngoài làm chủ đầu tư sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS Doanh cũng cho rằng đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước chứng minh năng lực và việc đứng ra làm chủ đầu tư hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp trong nước.

Đồng quan điểm với PGS. TS Phạm Xuân Mai, ông Doanh cho biết, nhiều bê bối liên quan đến các công trình giao thông không năm ở năng lực mà ở vấn đề quản lí, giám sát.

Theo TS Doanh, nhiều công trình xuống cấp do thi công ẩu, bớt xén nguyên vật liệu, không phải cho trình độ, kĩ thuật.

Ngoài nhà đầu tư, ông Doanh cho biết việc lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng phải giám sát. Bởi lẽ, nhiều trường hợp nhà đầu tư trong nước làm nhưng có nhiều nhà thầu xây lắp nước ngoài. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về một số định hướng riêng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án phải bằng 20% tổng vốn đầu tư; chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT lập Tổ giám sát và mời Kiểm toán Nhà nước giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các qui định của pháp luật.

Bộ GTVT cho biết, để triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản li chất lượng, tiến độ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cần 5 nội dung cơ bản.

Thứ nhất là thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ hai, qui định tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.

Thứ ba, quản lí chặt chẽ chất lượng, giá thành xây dựng công trình. Cơ quan nhà nước tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán làm cơ sở để tính toán phương án tài chính, lập hồ sơ mời thầu.

Thứ tư, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, trong đó sẽ quy định chặt chẽ các tiêu chí và có đủ chế tài xử lí khi nhà đầu tư có vi phạm về chất lượng, tiến độ.

Thứ năm, khắc phục bất cập về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.