Ban Quản lí đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, với đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội sẽ phải đưa vào khai thác trong tháng 4/2021, nhưng đến nay nhiều đoạn đang bị vướng về mặt bằng nên không thể thi công các thang nối vào ga.
Video các nhà ga đường sắt Nhổn - ga Hà Nội thiếu mặt bằng thi công cầu thang.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km (gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dài hơn 8 km, chạy từ khu Depot (Nhổn, Bắc Từ Liêm) qua đường 32, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy và kết thúc tại dốc hạ ngầm trên đường Kim Mã, cạnh hồ Thủ Lệ. Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao dài hơn 8km dự kiến chạy thử vào cuối năm 2020 và khai thác thương mại vào năm 2021.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Ban Quản lí đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, với đoạn tuyến trên cao, theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội sẽ phải đưa vào khai thác trong tháng 4/2021, nhưng đến nay nhiều đoạn đang bị vướng về mặt bằng nên không thể thi công các thang nối vào ga.
Hiện tại, theo ghi nhận của chúng tôi mới chỉ có vài nhà ga đang thi công các thang nối vào nhà ga như ga S1 đoạn gần ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Theo Ban quản lí, hiện nay tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các ga thuộc đoạn tuyến trên cao, thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm. Trong ảnh: Hầu hết cách nhà ga chưa thi công cầu thang.
Giám đốc dự án của nhà thầu Posco E&C Lee Hwang Se cho biết, hiện tiến độ các nhà ga trên cao đã đạt khoảng 80%, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về GPMB tại các nhà ga: S4, 5, 7, 8. Trong ảnh: Ga S4 (Cầu Diễn) mới chỉ quây tôn.
Tại ga S4, vị trí thang ES 1, 2 (quận Bắc Từ Liêm) đang vướng khoảng 19 nhà dân, cửa hàng chồng lấn vào phạm vi của dự án.
Việc không thể có mặt bằng thi công đang khiến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao có nguy cơ lỡ hẹn khai thác vào năm 2021.
Với những căn nhà này, khi thi công thì lối vào sẽ bị bịt kín.
“Nếu không bàn giao mặt bằng sớm thì nhà thầu sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ”, ông Lee Hwan Se cho biết. Trong ảnh: Tại ga S8, các thang ES 1-2-4 vẫn còn cột điện và cáp điện nên không thể thi công. Tại các ga S4, S5 cũng đang vướng giải phóng mặt bằng liên quan tới hàng chục hộ dân và cửa hàng.
Hiện tại, khi nhìn từ trên cao, nhiều nhà ga vẫn chưa thể thi công hạng mục cầu thang kết nối.
Với vướng mắc về mặt bằng, mục tiêu khai thác vào tháng 4/2021 có thể sẽ gặp khó khăn nếu không được giải quyết sớm.
Phần đường sắt trên cao đã thi công cơ bản hoàn thành nhưng cầu thang kết nối thì vẫn gặp khó khăn.
Hiện chỉ có nửa số nhà ga có mặt bằng để thi công.
Các ga S4, 5, 7, 8 vẫn đang vướng GPMB.
Tại ga S4 đang vướng giải phóng mặt bằng liên quan tới hàng chục hộ dân và cửa hàng, đơn vị thi công mới chỉ quây tôn được một phần mặt bằng.
Tại ga S7 (Chùa Hà) cũng tương tự. Tại đây có 16 ngôi nhà và cửa hàng lấn chiếm chỉ giới giải phóng mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công.
Tại ga S8 (Cầu Giấy) của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, các thang ES 1-2-4 vẫn còn cột điện và cáp điện nên không thể thi công.