Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa (thông qua loại bỏ thuế quan) của Liên minh Kinh tế Á – Âu dành cho Việt Nam có qui định về việc áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng (Trigger) đối với một số loại hàng hóa (Điều 2.10 trong Hiệp định).
Đây là biện pháp nửa giống Hạn ngạch thuế quan (có ngưỡng giới hạn về số lượng), nửa giống Phòng vệ (có thủ tục tham vấn đánh giá về khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu và có biện pháp hạn chế nhập khẩu).
Theo cam kết, phía EAEU có thể áp dụng biện pháp này đối với Việt Nam theo các qui tắc sau:
Tính chất: Hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết FTA, mà phải chịu mức thuế quan thông thường (MFN) trong thời gian áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng.
Loại hàng hóa áp dụng: Hiệp định EAEU chỉ có thể áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 180 dòng thuế thuộc các nhóm dệt may, và đồ gỗ liệt kê trong Phụ lục 2 (Phụ lục về các sản phẩm áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng trong Hiệp định).
Qui tắc áp dụng: Đối với mỗi loại hàng hóa thuộc Phụ lục 2, mỗi năm sẽ áp dụng một ngưỡng xác định (xem Bảng dưới đây), nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm đó vào EAEU vượt quá ngưỡng qui định cho năm đó thì EAEU sẽ lập tức thông báo bằng văn bản cho phía Việt Nam.
Ngưỡng qui định này là tổng khối lượng hàng hóa được nhập khẩu vào tất cả các nước thuộc EAEU.
Cách thức áp dụng: Để áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, phía EAEU phải tiến hành kiểm tra thị trường, đánh giá mức độ tác động, tham vấn với Việt Nam.
Nếu quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, Liên minh EAEU phải thông báo cho Việt Nam ít nhất 20 ngày kể từ ngày ra quyết định, biện pháp phòng vệ ngưỡng sẽ chỉ có hiệu lực ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày đưa ra quyết định áp dụng.
Như vậy, cơ chế này không giống như việc áp dụng hạn ngạch, tức ưu đãi thuế không tự động bị ngưng lại khi xuất khẩu tăng đột biến, hay vượt mức cho phép, mà phải trải qua quá trình kiểm tra thị trường, cảnh báo nội bộ, áp dụng cơ chế tham vấn cũng như cách tính toán mức độ gia tăng.
Bên cạnh đó, xác minh thiệt hại giống như biện pháp phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, tự vệ), và việc áp dụng chỉ được thực hiện sau khi có Quyết định chính thức về việc áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng của EAEU.
Thời gian áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng: Thông thường Quyết định áp dụng biện pháp Phòng vệ ngưỡng có hiệu lực (được áp dụng) trong 6 tháng.
Nhưng nếu khối lượng nhập khẩu sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng vượt quá 150% mức ngưỡng theo qui định vào ngày bắt đầu áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, thì thời gian áp dụng biện pháp này có thể được kéo dài thêm 3 tháng.
Các mặt hàng dệt may áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng của Việt Nam