Sau hơn một tuần úp mở, sáng nay, 1/4, ứng dụng gọi xe Fast Go chính thức công bố mở đăng kí cho các tài xế tại thị trường Singapore.
Theo thông tin từ website đăng kí trực tuyến, thủ tục để trở thành đối tác của Fast Go tương tự tại các nơi mà hãng đặt chân đến, gồm thông tin cá nhân tài xế, phương tiện đăng kí chở khách.
Sau Myanmar, Fast Go đã chính thức tấn công sang thị trường gọi xe tại Singapore. (Ảnh minh họa).
Trước đó, truyền thông Singapore đã nhắc nhiều về startup ứng dụng gọi xe công nghệ này sẽ nhảy vào đánh chiếm thị phần với hàng loạt tên tuổi khác đang có mặt tại đây như Grab, Go-Jek, Tada.
Tờ Singapore Business Review cho biết tuy mở đăng kí cho đối tác từ ngày 1/4, tuy nhiên ứng dụng dành cho khách hàng bắt đầu hoạt động hai ngày trước đó.
Tại Singapore, Fast Go không thu chiết khấu với tài xế mà chỉ tính phí sử dụng hàng ngày. Theo đó, nếu tài xế có thu nhập trên 30 USD/ngày, hãng sẽ thu 5 USD. Như vậy, nếu thấp hơn định mức 30 USD trên thì tài xế sẽ không phải chịu chi phí nào.
Với khách hàng, ứng dụng cam kết không phụ phí, không tăng giá vào giờ cao điểm.
Việc áp dụng chính sách không thu phí nếu thu nhập thấp và không tăng giá vào giờ cao điểm được xem là yếu tố cạnh tranh của Fast Go khi tấn công vào Singapore, đối đầu với những tay chơi lớn đang hoạt động tại đây.
Như vậy, Singapore là quốc gia thứ ba tại Đông Nam Á mà Fast Go tấn công sau Việt Nam và Myanmar.
Fast Go là ứng dụng gọi xe của Công ty Fast Go Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn NextTech.
Sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á vào tháng 4/2018, hai tháng sau, Fast Go bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam. Thời gian đầu, hãng chỉ có dịch vụ gọi xe ôtô nhưng hiện đã mở rộng sang dịch vụ xe hai bánh.
Cuối tháng 8, Fast Go bất ngờ nhận được đầu tư từ quỹ VinaCapital nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Đầu năm nay, hãng tiếp tục cho biết đã lên kế hoạch huy động 50 triệu USD trong vòng huy động vốn thứ hai.
Tại Việt Nam, hiện Fast Go đang có mặt ở khoảng 10 tỉnh, thành phố với khoảng 60.000 đối tác tài xế.
Cuối năm ngoái, Fast Go cũng đã chính thức ra mắt dịch vụ tại Yangon, Myanmar. CEO Nguyễn Hữu Tuất của hãng cho hay mục tiêu trong thời gian tới là mở rộng tiếp sang các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Dù nhanh chóng mở rộng thị phần sang nhiều thị trường trong khu vực, nhưng Nikkei đánh giá miếng bánh gọi xe công nghệ tại các nước này vốn không dễ ăn khi có các tay chơi lớn đang dẫn đầu.
Nikkei cho rằng startup còn non trẻ này của Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn cạnh tranh với những đối thủ lớn nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường.