Mới nhảy vào cuộc chiến gọi xe công nghệ tại Việt Nam hồi tháng 6 năm nay ở Hà Nội, hai tháng sau “Nam tiến” vào TP HCM và tuyên chiến với Grab, ứng dụng gọi xe thuần Việt FastGo bất ngờ ra mắt tại thị trường Myanmar ngày 28/12/2018.
FastGo tự tin tuyên bố chỉ sau 6 tháng hoạt động đã có mặt ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 40.000 đối tác lái xe đăng ký sử dụng. Hãng này cũng cho biết đang có số lượng người dùng đứng thứ hai tại thị trường gọi xe Việt Nam.
Sau nửa năm ra mắt, FastGo tự tin tuyên bố đang có số lượng người dùng đứng thứ hai tại thị trường gọi xe Việt Nam. |
Tại Myanmar, FastGo hợp tác liên doanh với Tập đoàn Asia Sun Group để phát triển dịch vụ gọi xe. Ngoài ra, ứng dụng Việt này cũng tham vọng có một “hệ sinh thái” ngoài đi lại, vận chuyển, tức có thêm các dịch vụ khác như gọi thức ăn, du lịch, tài chính cá nhân, để đáp ứng nhu cầu của người dùng Myanmar.
Giải thích về việc lựa chọn thị trường mới mẻ này, đại diện FastGo cho hay Myanmar rất tiềm năng với hơn 50 triệu dân, và có tốc độ phát triển nhanh trong các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, bán lẻ. Vì vậy, nhu cầu đi lại, vận chuyển dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn trong tương lai.
Mục tiêu của FastGo trong thời gian tới tại thị trường mới là có được 2 triệu người dùng và 100.000 đối tác.
CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất cho biết việc “tiến quân” ra khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau 6 tháng hoạt động là nỗ lực của ứng dụng này. Sau Myanmar, một thị trường khác tại Đông Nam Á cũng nằm trong chiến lược mà FastGo nhắm đến.
FastGo được xem là ứng dụng gọi xe Việt đầu tiên tiến quân ra thị trường ngoại. (Ảnh: HN) |
Hãng này cũng áp dụng các chính sách như không thu chiết khấu tài xế, không tăng giá lúc cao điểm và có các dịch vụ khác như gói Data dữ liệu, bảo hiểm cho từng chuyến đi, bảo hiểm cho đối tác để thu hút tài xế và người dùng tại Myanmar.
Đây được xem là ứng dụng gọi xe Việt đầu tiên tiến quân ra thị trường ngoại. Tại thị trường Việt Nam, hãng này cũng đang so kè trong “cuộc chiến” khốc liệt với hàng loạt tay chơi lớn như Grab, Go-Viet, Aber, Vato và mới nhất là Be.
FastGo được phát triển bởi Tập đoàn NextTech. Ra đời năm 2015, nhưng thời gian này FastGo được ứng dụng vào một số hãng taxi lớn. Một thời gian sau, ứng dụng hoàn thiện hơn với công cụ thanh toán FastPay, và chính thức ra mắt vào giữa năm 2018.
Hai tháng sau, vào ngày 30/8, VinaCapital thông báo thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD, để đầu tư vào các startup công nghệ. FastGo là một trong hai startup đầu tiên nhân đầu tư của VinaCapital Ventures, với con số được phía FastGo tiết lộ là trên 3 triệu USD.
Ứng dụng gọi xe non trẻ này cũng luôn thể hiện rõ sự đối đầu với Grab khi liên tiếp có những tranh luận xung quanh tên gọi loại hình công nghệ hay vận tải của Grab và các hãng tương tự tại Việt Nam. Trong lùm xùm vụ kiện giữa Vinasun và Grab, FastGo bất ngờ có công văn gửi TAND TP HCM, cho rằng cung cấp, làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải.
Theo đó, FastGo khẳng định Grab không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác. Ngoài ra, Grab đang có dấu hiệu độc quyền khi o bế, không cho các đối tác lái xe được phép sử dụng ứng dụng của bất kỳ bên thứ 3 nào để giữ vị trí độc quyền, ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp mới...