Fecon báo lợi nhuận giảm 74% trong quí II

Theo Công ty cổ phần Fecon, lãi ròng quí II lao dốc 74% do không còn ghi nhận 198 tỉ đồng doanh thu tài chính khác như cùng kì năm trước.

Công ty cổ phần Fecon (Mã: FCN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020 với doanh thuần đạt 762 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kì năm trước. Nhờ giá vốn giảm tới 21%, lợi nhuận gộp đạt 106 tỉ đồng, tăng 71% so với cùng kì năm 2019.

Trong kì, chi phí hoạt động tài chính khác giảm 93 tỉ đồng giúp chi phí tài chính giảm từ 120 tỉ đồng xuống còn 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, do không còn ghi nhận 198 tỉ đồng doanh thu tài chính khác, doanh thu tài chính trong kì chỉ còn vỏn vẹn 2 tỉ đồng, giảm 99% so với cùng kì năm trước.

Cùng với việc ghi nhận khoản lỗ 4 tỉ đồng từ hoạt động khác, trong khi cùng kì vẫn lãi 10 tỉ đồng, Fecon chỉ còn ghi nhận khoản lãi sau thuế 20 tỉ đồng, giảm 74% so với quí II/2019. Riêng lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 16 tỉ đồng, giảm 81% so với cùng kì năm trước.

Doanh thu tài chính giảm mạnh, Fecon báo lãi quí II giảm 81% - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC quí II của Fecon.

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 1.190 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 9% tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 67% so với nửa đầu năm 2019. Biên lãi ròng bán niên giảm từ 10% xuống còn 3%.

Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 29% lên 4.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ tăng 10%, đạt 233 tỉ đồng do biên lãi ròng giảm.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Fecon Phạm Việt Khoa cho biết trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường, công ty phải giảm giá để trúng thầu. Chủ đầu tư thích làm với Fecon nhưng lấy giá của người thấp hơn để ép giá.

"Tôi nghĩ rằng không chỉ Fecon mà một số doanh nghiệp khác phải chấp nhận điều này trong giai đoạn 2020. Chúng ta bắt cuộc giảm biên lợi nhuận để giữ công việc và thị trường, phát triển thị trường thêm."

Như vậy, sau nửa năm, doanh nghiệp mới thực hiện 30% chỉ tiêu doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm cuối quí II, qui mô tài sản của Fecon đạt 5.915 tỉ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu kì. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn (chiếm 61% tổng tài sản) tăng 8% lên 3.634 tỉ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tỉ trọng 59% với giá trị gần 3.496 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.000 tỉ đồng, tăng 33% so với đầu kì; nợ vay dài hạn giảm 10% còn 341 tỉ đồng.

Trong năm 2020, Fecon đặt chỉ tiêu đầu tư 128 tỉ đồng vào công ty con, liên kết thi công xây dựng. Về các dự án, trong năm nay công ty đầu tư vào Dự án Điện gió Sóc Trăng (110 tỉ đồng) và Dự án Đô thị Quế Võ (Bắc Ninh) (63 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược từ Trung Quốc - China Harbour Engineering Company Ltd. Mức giá phát hành cho cổ đông chiến lược không thấp hơn 15.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu được từ phát hành riêng lẻ là 480 tỉ đồng được dùng để tăng vốn công ty con và bổ sung vốn lưu động.

Nếu phát hành thành công, cổ đông chiến lược từ Trung Quốc sẽ sở hữu 20,32% vốn điều lệ của công ty, là cổ đông lớn nhất tại Fecon.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.