Gắn mào xe công nghệ: Tăng nguy cơ 'taxi dù' và rủi ro cho người dùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đề xuất của Bộ GTVT được áp dụng, buộc xe công nghệ phải gắn mào thì thị trường kinh doanh vận tải sẽ trở nên rối loạn, bùng phát "taxi dù". Hành khách theo đó phải đối mặt tình trạng "chặt chém" giá cước, cũng như những rủi ro khi đi xe.

Loạn "taxi dù"

Liên quan đến Dự thảo sửa đổi lần thứ 9 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP), Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quan điểm trình Chính phủ. 

Theo đó, Bộ này đề ra quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động phải gắn đèn taxi, gắn mào trên nóc xe. Song, quan điểm trên đang nhận nhiều ý kiến không đồng tình từ người dân, tài xế và các hợp tác xã...

Ông Hồ Trọng Ngọc - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ và Du lịch Thăng Long nhấn mạnh: "Các hợp tác xã đều thừa nhận từ ngày xe công nghệ được thí điểm triển khai tại Việt Nam đã mang lại rất nhiều thuận tiện trong việc quản lí đầu xe, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt tận dụng số lượng lớn xe nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho tài xế. 

grab

Nhu cầu sử dụng xe công nghệ của người dân ngày càng tăng cao. (Ảnh tư liệu).

Ngoài ra, việc xe công nghệ kết nối ứng dụng qua app đã không còn tình trạng khách đứng ngoài đường vẫy xe như trước đây. Vì vậy quy định gắn mào để nhận diện là không cần thiết. Nếu quay lại hình thức hoạt động như trước đây, khách bắt xe dọc đường trả tiền mặt cho tài xế nhà nước cũng thất thu thuế".

Đánh giá ở khía cạnh điều hành và quản lí, ông Phạm Đăng Vỹ - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thương mại và Dịch vụ Nguyên Vỹ đặt vấn đề: "Thời đại công nghệ 4.0, nếu ra đường mà hành khách vẫy tay bắt xe sẽ xảy ra tình trạng chặt chém giá cước, chạy lòng vòng… ai sẽ chịu trách nhiệm quản lí và truy tìm lái xe?"

Bên cạnh đó, ông Vỹ cho rằng, nếu quy định trên được áp dụng sẽ dễ xảy ra tình trạng taxi giả đeo mào để bắt khách "bát nháo". "Bộ GTVT lí giải việc đeo mào dễ kiểm tra, quản lí nhưng tôi nghĩ đó chỉ là lí do khách quan không đúng bản chất bởi hiện nay tình trạng 'taxi dù' vẫn ngang nhiên đeo mào hoạt động chặt chém hành khách tại sao vẫn không xử lí được", ông này nêu quan điểm.

Gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, hành khách đối mặt nhiều rủi ro

Về phía mình, ông Nguyễn Cao Đạt - Giám đốc truyền thông của Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM, đại diện đơn vị quản lí 25.000 xe và tài xế đang hoạt động trên địa bàn TP HCM cho biết, qua khảo sát nội bộ, có đến 81% số tài xế phản đối phương án lắp mào cho xe chạy trên ứng dụng với lí do "không cần thiết". 

Ông Đạt lí giải thêm: "Việc bắt buộc phải gắn hộp đèn có chữ "taxi" cố định trên nóc xe sẽ khiến cho việc kinh doanh của chủ xe trở nên cực kì bất tiện, vì việc chạy xe thông qua ứng dụng kết nối chỉ là một trong những hoạt động kinh doanh của các thành viên hợp tác xã".

taxi

Nhiều vấn đề đặt ra khi buộc taxi công nghệ phải đeo mào. (Ảnh: Thanh Niên).

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu ép xe công nghệ vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải sẽ trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống. Khi đó buộc xe công nghệ phải phình to bộ máy, chi phí quản lí, sửa chữa, bảo dưỡng xe… Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành và hành khách là người gánh chịu, như vậy sẽ "hết thời" đi xe giá rẻ.

Họ cho rằng, từ khi ứng dụng xe công nghệ có mặt tại Việt Nam đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải, hành khách đi xe được minh bạch về giá cước, không còn tình trạng taxi chặt chém, thái độ bất lịch sự như trước đây… Chính vì những tiện của ứng dụng xe công nghệ mang lại nên đã được người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sử dụng.

Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công, chị Trần Thị Hoa (34 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM) quan ngại: "Nếu phải gắn mào số lượng tài xế giảm thì việc đặt xe sẽ khó khăn hơn. Chưa kể việc giảm thu nhập nhiều tài xế chuyển qua chạy dù, như vậy sẽ không kiểm soát được hành trình di chuyển của chuyến xe, thông tin tài xế hành khách đi xe phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy hiểm".

Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quản lí xe công nghệ của thế giới

Trước khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, xe công nghệ đã có mặt và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho người dân chính quyền các nước đã nhanh chóng ban hành những quy định phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho tài xế và người tiêu dùng.

Singapore là thị trường sôi động của các hãng xe công nghệ như: Grab, Go Jek, Tada, Kardi... Để theo kịp sự chuyển mình của thị trường vận tải cũng như đảm bảo sự an toàn và lợi ích của hành khác luật Giao thông đường bộ sửa đổi của đảo quốc sư tử quy định các xe tham gia nền tảng kết nối phải dán đề can chống giả mạo trên kính trước và sau xe. Đề can được cấp bởi Cục Giao thông Đường bộ Singapore, có kích thước 10 cm x 14 cm.

taxi

Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á. (Nguồn: Google và Temasek - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tương tự, tại Indonesia xe công nghệ được điều chỉnh bởi luật về dịch vụ Vận tải cho thuê đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác (chữ đen trên nền vàng). Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng kí và hoạt động của phương tiện.

Ra ngoài khu vực Đông Nam Á, thành phố New York của Mỹ, nơi vị trí của những chiếc taxi màu vàng đặc trưng cũng đã bị lung lay ít nhiều trước xe công nghệ. Tuy nhiên, việc "bắt" xe công nghệ phải đeo mào hoặc "mặc đồng phục" vàng giống taxi truyền thống không phải là lựa chọn của thành phố này. 

New York chỉ yêu cầu dán 3 đề can của Ủy ban Cấp phép trên kính trước và 2 kính hông phía sau phương tiện. Ủy ban Cấp phép sẽ trực tiếp dán các đề can này. Bên cạnh đó, phương tiện cần dán tem đăng kí, tem kiểm tra, tem thuế trên kính trước phương tiện và phương tiện được yêu cầu không có màu vàng của taxi hoặc màu xanh táo.

Theo nhiều chuyên gia, trước những kinh nghiệm quản lí xe công nghệ trên thế giới và khu vực, Việt Nam cần tham khảo để đưa ra những quyết sách quản lí riêng cho phù hợp. Qua đó, có thể đảm bảo được quyền lợi của tài xế và hành khách cũng như tiện ích mà loại hình vận tải công nghệ mang lại.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.