Đeo mào cho taxi công nghệ, người dân 'hết thời' đi xe giá rẻ?

Việc xe cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi chiếc "mào" khiến chủ phương tiện ngần ngại không muốn tham gia vào nền tảng kết nối. Từ đó, nhiều hệ luỵ dẫn đến cho người tiêu dùng như: lượng xe ít hơn, cước mỗi chuyến xe cao, thời gian chờ đợi dài ra...

Hiện, chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành vào dự thảo nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Tại dự thảo lần thứ 9 này, ban soạn thảo (Bộ Giao thông Vận tải) bảo lưu đề xuất ôtô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (tương tự xe Grab) phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12x30 cm.

Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia lo ngại, loại hình "xe công nghệ" sẽ mất đi tính ưu việt, văn minh và đặc biệt là tăng giá cước khi phải "đeo gông". 

taxi

Nhiều vấn đề đặt ra khi buộc taxi công nghệ phải đeo mào. (Ảnh: Thanh Niên).

Không phải ngẫu nhiên, mà chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng mô hình công nghệ kết nối di chuyển như Grab, Uber, Fastgo… đều đạt được kết quả ấn tượng và được người tiêu dùng lựa chọn. Theo nhiều chuyên gia và người tiêu dùng, thành công này xuất phát bởi tính minh bạch, tiết kiệm, tiện lợi vượt hẳn taxi truyền thống.

Từ đó, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cảnh báo, nếu "ép" các nền tảng kết nối vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống thì người dân sẽ "hết thời" đi giá rẻ. Khi đó, buộc các hãng kết nối phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lí, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… "Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa", ông Hoà nêu.

Là người thường đi làm bằng dịch vụ xe công nghệ, chị Trần Thanh (ngụ quận 9, TP HCM), tỏ ra băn khoăn: "Liệu khi đeo mào thì những loại hình xe công nghệ có mất đi tính ưu việt và tăng giá cước không?". Theo chị, di chuyển với GrabCar giúp chị tiết kiệm khá nhiều chi phí (từ 20% đến 30%) so với đi taxi thông thường.

Mặt khác, người tiêu dùng biết trước mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền cho quãng đường cần phải di chuyển. Đặc biệt, họ không cần ra đường để "vẫy taxi", mà có thể đặt xe, theo dõi lộ trình của tài xế, biết được khi nào xe đến nơi trên điện thoại di động. 

"Do tiết kiệm được những chi phí không cần thiết về việc quản trị hệ thống, nhân lực văn phòng nên giá di chuyển bằng những loại xe như Grab, Fastgo luôn luôn rẻ hơn taxi truyền thống, và linh hoạt theo khung giờ, khu vực. Đây mới là lí do chính để xe hợp đồng điện tử, ứng dụng công nghệ chiếm được thiện cảm vừa ưu tiên sử dụng của người tiêu dùng. Trung bình, mỗi cuốc xe, hành khách chỉ mất 2,5 phút để hoàn tất quá trình gọi xe", anh Trần Tài (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết.

Tính ưu việt này sau đó được hàng loạt các hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… áp dụng, cho ra đời các ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thay đổi này chưa triệt để, bởi vẫn còn "bình mới, rượu cũ" khi giá cước di chuyển vẫn cao, giữ nguyên theo đồng hồ taxi.

Có nhiều kinh nghiệm hơn với xe công nghệ, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết đã từng rất nhiều lần bị tài xế xe công nghệ đề nghị huỷ chuyến khi đặt xe tại sân bay hoặc các trung tâm thương mại với lí do "xe công nghệ bị ngăn cản, không vào được". Chị Hoa lo ngại, nếu bị đeo mào, các xe này sẽ càng bị ngăn cản nhiều. "Vậy thì người dùng như chúng tôi sẽ không có cơ hội đón được xe tại các trung tâm thương mại, sân bay, khách sạn nữa à?", chị Hoa đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm này, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng nhận định: "Chuyện giải bài toán về các quy định đối với dịch vụ kết nối vận tải cũng đồng thời là giải bài toán chung cho các lĩnh vực khác của các xu hướng kinh tế số như hiện nay và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai gần. 

Với cách tiếp cận và phối hợp hợp lí giữa các Bộ, ngành, không cần phải ép Grab, GoViet hay Be vào ngành vận tải, Nhà nước vẫn có thể quản để các công ty này hoạt động mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào. Làn sóng công nghệ và giải pháp sáng tạo sẽ thay thế những cái cũ kém hiệu quả hơn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận chứ không thể kìm hãm theo cách siết chặt theo tư duy quản lí nhà nước như hiện nay".

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.