Dự thảo lần 9 Nghị định sửa đổi kinh doanh vận tải bằng ôtô vẫn 'bình mới rượu cũ'?

Qua gần 10 vòng trình lên Chính phủ, song các quy định quản lí của dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được nhiều chuyên gia đánh giá vẫn "rối như canh hẹ".

"Dự thảo lần thứ 9 thật đáng thất vọng"

Ngày 14/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Dự thảo lần thứ 9 liên quan Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP).

Tuy nhiên, nội dung dự thảo lần này được đánh giá rằng vẫn chưa đạt yêu cầu do Phó Thủ tướng Trần Đình Dũng đặt ra, còn nặng nề về thủ tục hành chính, cũng như thể hiện tư duy quản lí lạc hậu, không thực tế.

Cụ thể, dự thảo chưa xử lí được hai vấn đề tiếp tục gây tranh cãi gần đây: dịch vụ kết nối giữa lái xe và hành khách được phân loại là dịch vụ gì; xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động có cần phải gắn đèn taxi trên nóc xe hay không.

Ảnh minh hoạ thanh niên

(Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ qua 8 lần. Tại hai cuộc họp rà soát dự thảo ngày 6/3 và ngày 29/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hai lần kết luận "nội dung dự thảo Nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử…", "dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp".

Dự thảo sửa đổi lần thứ 9, theo các chuyên gia đánh giá vẫn còn tình trạng "bình mới rượu cũ", bởi chồng chéo khái niệm và cơ quan quản lí ứng dụng kết nối vận tải; bổ sung khái niệm về kinh doanh xe taxi và yêu cầu xe hợp đồng chuyển đổi sang loại hình taxi; quy định lắp hộp đèn nóc đối với tất cả các loại xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng ứng dụng kết nối với hành khác; rào cản kĩ thuật đối với hợp đồng điện tử dành cho xe hợp đồng bất khả thi cho doanh nghiệp...

Là người theo dõi và tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này từ rất lâu, PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế độc lập ý kiến: "Theo tôi, dự thảo Nghị định lần này thực sự đáng thất vọng. Đến nay đã qua gần 10 vòng trình dự thảo lên Chính phủ, chưa kể vô số những dự thảo không chính thức khác mà các quy định quản lí vẫn 'rối như canh hẹ'".

Ông Long cho rằng, trước đó, mặc các đơn vị, chuyên gia ra sức góp ý, đề xuất các nội dung quản lí cho phù hợp với tình hình mới, ban soạn thảo vẫn kiên trì gọi các ứng dụng kết nối hiện nay là kinh doanh vận tải với lí do "đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng" theo đúng ý kiến của các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội taxi.

"Gần đây, khi ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được đón nhận tích cực, ban soạn thảo có "mở lòng" tiếp thu bằng cách đưa nguyên đề xuất của Bộ TT&TT vào, nhưng lại không hề thay đổi các nội dung cũ. Như vậy, Bộ TT&TT đã vô tình 'quàng' thêm một 'lớp' quản lí chồng chéo nữa lên các ứng dụng công nghệ trong dự thảo Nghị định", ông Long nêu.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận định cách tiếp cận chính sách đã "quay lưng" với thời đại. "Tôi nhớ trong hầu hết các tờ trình và giải thích của ban soạn thảo, thường có lời khẳng định 'khuyến khích', 'yêu cầu' tất cả các đơn vị vận tải phải ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với thực tế về sự phát triển khoa học công nghệ.

Theo quy định, xe thường phải có phù hiệu và niêm yết chữ trong xe. Thế nhưng, cùng loại xe đó khi sử dụng ứng dụng, lại phải có thêm hộp đèn gắn cố định trên nóc xe. Ngoài ra, hợp đồng điện tử phải hiển thị toàn bộ trên một giao diện, với hàng tá các nội dung tối thiểu không hiểu phục vụ mục đích gì.

Việc 'phân biệt đối xử' với xe ứng dụng công nghệ, quàng thêm các quy định cho công nghệ như vậy là hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Chính phủ, ngược với tuyên bố của chính ban soạn thảo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lí, điều hành vận tải", ông Long phân tích.

GoViet, Grab không phải kinh doanh vận tải?

Bên cạnh đó, chuyên gia Chính sách công Nguyễn Quang Đồng cũng nêu ra một số vấn đề liên quan đến quản lí dịch vụ ứng dụng kết nối trong lĩnh vực vận tải. Ông cho rằng, các ứng dụng kết nối (như Grab, GoViet) là một phương thức sử dụng công nghệ kinh doanh, thay vì kinh doanh vận tải.

"Tôi khá đồng tình với quan điểm của Bộ TT&TT rằng đây là mô hình kinh doanh mới, trong đó, các công ty cung cấp một loại nền tảng công nghệ cho nhiều doanh nghiệp vận tải cùng tham gia, nhưng không tự sở hữu và vận hành một dịch vụ vận tải hoàn chỉnh", ông Đồng nêu.

Theo ông, với cách tiếp cận và phối hợp hợp lí giữa các Bộ, ngành, không cần phải "ép" Grab, GoViet hay Be vào "ngành vận tải", Nhà nước vẫn có thể "quản" để các công ty này hoạt động mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào.

"Tôi cho rằng cạnh tranh thì phải tuân theo quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào làm tốt, hiệu quả hơn thì sẽ tồn tại và phát triển, nếu taxi truyền thống cứ mãi chậm đổi mới thì phải chấp nhận "thất bại'", chuyên gia Chính sách công nhấn mạnh.

Taxi công nghệ Grab di chuyển trên đường phố VnExpress

Taxi công nghệ Grab di chuyển trên đường phố. (Ảnh: VnExpress).

Ngoài ra, ông Đồng cho rằng, Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa "taxi truyền thống" và "xe công nghệ". Cụ thể, cơ quan quản lí cần "cởi trói" cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không phù hợp; đồng thời, yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng kết nối phải phối hợp với Nhà nước để việc đảm bảo các nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.

Các dự thảo Nghị định mới gần đây đã bãi bỏ được nhiều quy định ràng buộc như: bắt buộc trang bị bộ đàm, sơn màu đặc trưng, số lượng tối thiểu để lập một hãng xe taxi, và đặc biệt là quy hoạch phương tiện… Nhưng theo ông Đồng, việc cắt giảm này vẫn chưa được thực hiện triệt để và sát với thực tế.

"Cụ thể là chưa cân nhắc những yếu tố mới trên thị trường như sự tham gia của khoa học công nghệ. Nhà nước cần biết cách tận dụng công nghệ tốt hơn trong quản lí và tránh những quy định thủ công, như bắt xe công nghệ lắp hộp đèn, bắt xe hợp đồng mang theo hợp đồng giấy", ông Đồng nêu.

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải phải cùng có trách nhiệm phối hợp với Nhà nước để giám sát việc tuân thủ pháp luật của các đối tác vận tải. Cụ thể, phải đảm bảo việc đóng bảo hiểm, chế độ phúc lợi xã hội cho những người lái xe; nếu lái xe là chủ xe cá nhân (lao động tự do), phải thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện. Đồng thời, có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu hoạt động một cách phù hợp, giúp cơ quan thuế có thể thu thuế minh bạch và công bằng.

Ông Đồng tiếp tục chỉ ra đề xuất không hợp lí của dự thảo Nghị định này, là bắt xe sử dụng kết nối ứng dụng phải gắn hộp đèn trên nóc và yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe chuyển đổi sang kinh doanh vận tải.

Bởi, ông đánh giá, việc gắn mào xe gây lãng phí, vì khách "vẫy" xe bằng điện thoại thông minh thay vì gọi trên đường. Đồng thời, yêu cầu một hãng chỉ khai thác công nghệ phải thêm gánh nặng quản lí vận tải là trái với quy luật phát triển và xu thế quốc tế.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.