Nhà ở xã hội Hòa Khánh Đà Nẵng liên tục hư hỏng

Nhiều hộ dân sinh sống tại dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bức xúc trước tình trạng nhà xuống cấp.

Theo người dân, nhà chung cư tại khu E1, E2 thuộc dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư. Giá mỗi căn hộ trung bình khoảng 250-300 triệu đồng.

Sau khi đóng tiền mua căn hộ, đầu năm 2019, người dân dọn vào ở hai khu nhà trên thì thấy căn hộ không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, mỗi khi trời mưa là nước thấm dột chảy xuống sàn nhà, phòng ngủ và cả nhà vệ sinh. Tường căn hộ xuất hiện ẩm mốc, cá biệt có trường hợp tường bị nứt.

Thực trạng mưa thấm dột, xuống cấp tường ở chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh. (Ảnh: CTV).

Anh Danh, sống tại khu E2 cho biết, căn hộ anh mua ở có tường nứt, mưa nước dột từ trần xuống lênh láng. Mặc dù anh đã báo chủ đầu tư nhưng chậm sửa chữa. Để ổn định cho sinh hoạt, gia đình anh phải tự bỏ tiền túi tự khắc phục.

Chị Thu Thảo, một người dân khác sống tại chung cư, bức xúc, mỗi khi mưa gia đình chị phải lấy thau, chậu để hứng khắp nơi trong căn hộ do thấm dột xảy ra.

Chị cùng mọi người đã báo nhưng chủ đầu tư khắc phục nửa vời. Trong đợt bão số 5 vừa qua, mưa lớn thấm dột còn nhiều hơn.

Theo chị Thảo, có khoảng 100 hộ sống tại chung cư cũng bức xúc việc xuống cấp, hư hỏng của hai khu nhà ở xã hội trên.

Đa số những người mua nhà ở xã hội là công nhân, điều kiện sống khó khăn, thu nhập thấp. Họ dốc hết tài sản dành dụm, đi vay mượn mới đủ tiền mua căn hộ. Tuy nhiên, việc hư hỏng căn hộ khiến họ sống không an tâm.

Cũng theo người dân, tại dự án nhà ở xã hội Hòa Khánh, thang máy thường xuyên hư hỏng, họ phải đi bộ. Nhà để xe cho cư dân không đủ diện tích, phải để ngoài mưa, nắng, mặc dù tiền họ đóng đầy đủ.

Nha o xa hoi hoa khanh

Dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Trả lời báo chí, bà Phùng Thị Hoài Thương, Phó Tổng Giám đốc của Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước thừa nhận thực trạng thấm dột mỗi khi mưa tại 2 tòa nhà E1 và E2 đã xảy ra gần 1 năm qua, với khoảng hơn 100 căn hộ.

Theo bà Thương, đơn vị thi công ban đầu của tòa nhà E1, E2 lần lượt là Công ty cổ phần xây dựng công trình 69 và Công ty cổ phần Vinaconex 16. Tuy nhiên, giai đoạn sau chủ đầu tư đã thay đổi Công ty Cổ phần đầu tư Licogi 13 thi công. Khi xây dựng, phía chủ đầu tư không thể dự kiến được tình trạng thấm dột như hiện nay.

Về vấn đề xảy ra tình trạng thấm dột ngay khi lợp mái, bà Thương cho rằng, trước đó mái của công trình được xây dựng theo kết cấu mái bằng. Khi mưa lớn, mái bằng khiến một số vị trí bị trũng nước, dẫn đến thấm nước (mái sử dụng gạch không nung, độ thấm nước cao) xuống các tầng bên dưới.

Nhà đầu tư cải tạo bằng cách làm mái nhọn, lợp tôn. Trong quá trình lợp phải bóc tách các lớp vôi vữa cũ tại phần mái. Quá trình này cũng bao gồm việc cào luôn lớp chống thấm cũ của công trình, và để lại các rãnh, lỗ tạm thời khi thi công khiến nước dột, thấm nhiều hơn.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.