Một số cơ quan báo chí (trong đó có Báo Tiền Phong) gần đây phản ánh: Trong văn bản của Sở TN&MT Thái Nguyên gửi Sở TN&MT Hà Tĩnh (số 921 ngày 11/4/2019) cho biết, Thái Nguyên có 6 doanh nghiệp và hộ kinh doanh có hợp đồng mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa qua Cty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (Cty MHD) lên đến hàng chục nghìn tấn để tái chế, sử dụng. Đáng lưu ý, Sở TN&PTNT đã lấy mẫu gang xỉ nói trên phân tích và cho thấy giá trị pH “vượt ngưỡng” nguy hại theo quy chuẩn QCVN 07:2009/BTNMT.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Quản lý Chất thải (Tổng cục Môi trường) cho rằng: độ kiềm (giá trị pH) trong gang xỉ cao, thực chất là lượng vôi dư và hợp chất của Canxi (Ca). Lượng vôi dư này còn có tác dụng xử lý khí thải (SOx), nếu dùng trong lò điện hồ quang để sản xuất thép…
Dẫn các điều khoản trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), ông Hiền cho rằng, gang xỉ khử lưu huỳnh của Formosa trong trường hợp này được coi là phế liệu làm nguyên liệu, nếu thải ra ngoài môi trường mới được xem là chất thải.
Theo ông Hiền, gang xỉ khử lưu huỳnh của Formosa (có chứa 71,6% là sắt) được pháp luật khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép. “Chúng tôi khẳng định, thép phế liệu chưa thải ra môi trường, đang sử dụng làm nguyên liệu và thế giới họ cũng làm thế, không phải chất thải”.
Lãnh đạo Vụ trưởng Quản lý Chất thải cũng cho rằng, QCVN 07:2009/BTNMT được sử dụng để kiểm soát chất thải ra môi trường, không được sử dụng để đánh giá đối với phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, các cơ sở tái chế, tái sử dụng gang xỉ (sau khi đã thu hồi sắt) nếu có phát sinh chất thải thì phải được quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải.
Về độ pH mà Sở TN&MT Thái Nguyên dùng từ “vượt ngưỡng”, ông Hiền cho rằng: “Không thể dùng từ “vượt ngưỡng” được, bởi nếu pH dưới 2.5 là tính axít, còn pH trên 12,5 là tính bazơ”.
Về vấn đề trên, TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, Thông tư 36 đã phân loại rõ danh mục chất thải, trong đó có chất thải ngành gang thép:
“Theo quy định hiện hành, những chất thải không nằm trong danh mục đó, đều là chất thải thông thường…Cái này cũng áp dụng theo quy định của thế giới chứ chúng ta cũng không tài giỏi gì để nghĩ ra cả”- TS Loãn nói.
Liên quan đến thông tin có 3/6 cơ sở lấy nguồn gang xỉ từ Formosa qua Công ty MHD, nhưng không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ trong đề án bảo vệ môi trường (Cty CP Công nghiệp Bắc Thái, Cty TNHH Minh Bạch và Cty CP Cơ khí Gang Thép), lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, đang phối hợp với Thái Nguyên để xử lý.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường cho biết, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT Thái Nguyên, cùng phối hợp Tổng cục Môi trường để kiểm tra, làm rõ. Cty MHD được chuyển đúng loại gang xỉ với số lượng 70.000 tấn/năm, chuyển giao cho đơn vị trực tiếp sử dụng sản xuất gang thép ở Thái Nguyên.
Ông Thức cho biết, trong công văn của Tổng cục gửi Công ty MHD đã ghi rõ điều kiện, các đơn vị chuyển giao phải nằm trong nhóm có chức năng tái chế gang xỉ trong các lò hồ quang và các yêu cầu môi trường kèm theo… “Nếu Cty MHD thực hiện không đúng, theo Luật BVMT sẽ xem xét từng hành vi, ở mức nào thì sẽ xử lý mức đó” - ông Thức nói.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng khẳng định: “Chúng tôi đã có công văn, yêu cầu công ty MHD dừng thu nhận, chuyển giao và thông báo cho Formosa Hà Tĩnh không chuyển giao gang xỉ cho công ty MHD nữa, để Tổng cục sẽ phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, làm rõ”.