Ở Việt Nam, số người có “Bàn chân Giao Chỉ” đặc trưng với hai ngón cái xõe hẳn ra phía ngoài. Khi đứng thẳng thì hướng hơi vuông góc vào nhau hiện giờ còn rất ít. Tuy nhiên, ở một làng ngoại thành của Hà Nội vẫn còn trường hợp một cụ bà cao tuổi có bàn chân như vậy mà không phải ai cũng biết đến. Đó là cụ Trần Thị Vốn (SN 1922 – theo giấy chứng minh thư), hiện đang sống tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội.
Mối tình đẹp của cô nữ du kích “chân chõe”
Về đúng địa chỉ trên, hỏi chuyện cụ Vốn có “Bàn chân Giao Chỉ” đặc sệt thì ai cũng biết. Ở làng quê, cụ thường được bà con gọi theo tên chồng là “cụ Cơ”, hiện đang sống cùng với gia đình người con trai thứ tên là Chu Hữu Đông. Vừa vào đến cổng, hình ảnh trước mắt chúng tôi là một cụ bà với dáng vẻ nhanh nhẹn, tóc đã bạc trắng vẫn đang cặm cụi bắt sâu cho cây trước hiên nhà. Thấy khách tới chơi, cụ ân cần mời vào nhà uống nước rồi mới mở đầu câu chuyện.
|
Vừa đưa tay rót chén nước, cụ vừa kể ở làng vẫn sinh hoạt cùng với các cụ của tuổi đồng niên sinh năm 1928. Nhưng chứng thực tuổi cụ được ghi trong Chứng minh thư nhân dân là sinh năm 1922, tức năm nay cụ Vốn đã 94 tuổi. Ấy thế mà, dù đọc sách báo, giấy tờ hay thậm chí xâu kim vá quần áo thì cụ vẫn không hề phải nhờ tới chiếc kính lão.
Khi được hỏi chuyện về gốc tích của bàn chân đặc biệt của mình, cụ Vốn cũng cởi mở lòng mình mà thật thà chia sẻ: “Tôi vốn là người con sinh ra ở vùng đất xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khi cha mẹ sinh tôi cùng với 8 anh chị em khác, chỉ duy nhất mình tôi có hai bàn chân có ngón cái chõe hẳn ra phía ngoài, xấu xí đến mức này. Hỏi thì bố mẹ nói, đó là kiểu “Bàn chân Giao Chỉ” của người Việt gốc hiếm có đấy”.
Qua tìm hiểu, cụ cho biết hồi còn trẻ khi học hết trường làng, cụ có tham gia vào công tác xây dựng đoàn thể nằm trong Mặt trận Việt Minh những năm đầu của thập kỷ 40. Với vai trò là thành viên của Hội Thanh niên cứu quốc, cụ đã cùng với bao thanh niên cùng thời khi ấy tích cực phục vụ cho công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương vào tháng 8/1945 và các năm sau đó.
|
Tới các năm 1947, 1948 cụ Vốn tham gia vào lực lượng du kích của xã Ngô Quyền. Với khả năng ăn nói lưu loát nên được cấp trên giao nhiệm vụ đảm đương công tác thông tin, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh. Tình hình chiến sự khi ấy rất gay go, địch thì tăng cường bắt bớ, khủng bố bộ đội và nhân dân ta trong các vùng địch tạm chiếm. Nhưng với mưu trí và sự sáng tạo của mình, cô nữ du kích tên Vốn vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rồi đến một ngày cuối năm 1950, giặc Pháp đã bắt giữ cô nữ du kích mưu trí ấy rồi giam tại Nhà tiền – nay là khu vực Nhà máy in Tiến Bộ, trước đây là nơi Pháp cho xây dựng một nhà tù ở đó để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Mãi tới tận năm 1954, cụ Vốn mới được thả tự do. Chính những năm tháng ở trong chốn lao tù, khổ ải ấy, một định mệnh cũng đã đến với người nữ du kích ấy khi đã “bén duyên” cùng với một người bạn tù của mình.
“Ông ấy (cụ Chu Hữu Cơ – chồng cụ Vốn sau này) khi đó cũng bị Pháp bắt giam tại đây khi phát hiện trên đường đi hoạt động cách mạng. Hai người từ chỗ thương nhau ở tình đồng chí, rồi cảm mến nhau qua từng lần kết hợp với nhau đi khuyên giáo các đồ dùng cho đồng đội còn ở trong tù như quần áo, sách vở tuyên truyền cách mạng… Dần dần, tình cảm hai người càng nảy sinh. Ông ấy cũng chẳng chê mình “chân chõe” gì nữa mà khi ra tù, chúng tôi đã tổ chức lễ cưới thật giản dị mà hạnh phúc vô bờ”, cụ Vốn vui vẻ nhớ lại.
Tuổi thọ của “Người Giao Chỉ” thường rất cao
Dù đã bước sang tuổi 94 (theo tuổi ghi trên chứng minh thư), nhưng cụ Vốn vẫn rất minh mẫn, tinh tường và rõ mọi chuyện từ trong xóm, ngoài làng. Chỉ duy nhất chuyện khiến cụ tỏ ra buồn nhất có lẽ là sự ra đi của chồng mình vào năm 1974, khi cậu con trai út tên là Chu Hữu Đức mới lên 3 tuổi. Gánh nặng cơm áo lại đè nặng lên đôi vai gầy của người phụ nữ quả cảm ấy khi một tay lo cái ăn, cái mặc cho cả thảy 6 người con.
|
Bà Chu Thị Phương (SN 1963), con gái thứ 3 của cụ tâm sự: “Cụ nhà tôi gần như là một trong số ít người còn có bàn chân kiểu kỳ dị này. Ngày trước khi kinh tế còn khó khăn, một mình cụ chỉ với đôi chân trần vẫn bươn chải chợ búa, đồng áng ngược xuôi mới nuôi được anh chị em chúng tôi nên người. Ngoài ra, cụ vẫn tham gia nông hội để phục vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với nhân dân địa phương”.
Cũng theo lời kể của bà Phương, hiện tại trong số 6 người con của cụ (hiện chỉ còn 4 người) thì cụ Vốn có tất thảy 16 người cháu và 17 người chắt kể cả nội, ngoại.
Đặc biệt, dù ở tuổi này nhưng cụ rất ít khi phải đi viện. Thi thoảng bị cảm sốt chỉ cần mua thuốc ở hiệu về uống là khỏi chứ nhiều năm nay cụ không hề phải đến Bệnh viện bao giờ cả. Ngoài ra, cứ đều đặn dăm bữa nửa tháng, cụ lại tay xách túi quần áo ra bắt xe khách về quê Hải Dương dài hơn 70km để thăm họ hàng mà không hề bị say xe. Dù con cháu có bảo chở cụ bằng ô tô riêng nhưng cụ vẫn thích đi xe khách hơn.
Không chỉ đọc sách báo, xâu kim chỉ không cần đeo kính, cụ Vốn còn tỉ mẩn bắt từng con sâu còn ở trên lá cây trước hiên nhà. |
Anh Chu Hữu Đức (SN 1971), con trai út của cụ cho biết, vì trước đây làm lụng vất vả, đi chân đất thành quen nên giờ đây, ngón chân mẹ tôi càng ngày càng choãi ra đến nỗi chưa bao giờ xỏ được đôi dép nào được hẳn hoi để đi cả. Cứ xỏ đừa được 5 ngón vào thì gót chân lại lọt ra ngoài đế dép. Vì thế đôi khi cụ già thường ngại đi dép mà cứ chân trần khi ở nhà. Có đi ăn cỗ hay đâu đó thì mới xỏ tạm đôi dép vào để đi cho … đỡ ngại”.
Chỉ tay xuống đôi bàn chân trần với hai ngón cái xõe ra hai bên đặc biệt của mình, cụ Vốn còn cười và khoe: “Cũng nhờ cái hình dạng kỳ quái của đôi chân này mà ngày trước, tôi còn giành được cả giải trong cuộc thi bơi lội của tỉnh Hải Dương đấy. Đừng thấy “chân chõe” là không bơi giỏi như người có chân bình thường nhé”.
|
Chia sẻ về bí quyết giúp sống vui, sống khỏe đến tuổi này mà đọc sách báo, xâu kim chỉ cũng không cần đeo kính, cụ Vốn cười nhẹ nhàng nói:
“Cũng chả có gì, mỗi bữa tôi chỉ ăn 1 bát cơm và hạn chế ăn thịt, ăn nhiều rau xanh. Tuyệt đối không uống rượu, bia, chè đặc hay hút thuốc lá. Và đặc biệt, tôi có một thói quen là xúc miệng bằng nước ấm và uống nước nóng khi vừa rót từ phích ran gay được. Có thế thì răng lợi mới khỏe, không bị sâu răng. Chịu khó vận động, đi lại trong xóm ngoài làng”.
Trước đó, theo thông tin trên báo VTC.vn cũng ghi nhận, cụ ông Nguyễn Đình Phương ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sinh năm 1912 (nay đã 104 tuổi) cũng có “Bàn chân Giao Chỉ” đặc biệt như vậy. Hiện giờ, cụ Phương vẫn sống vui khỏe cùng người con trai của mình ở quê nhà.
Xem thêm: Tin tức giải trí Online 24h mỗi ngày
Trao đổi với Phóng viên VietNamMoi.vn, PGS. TS Nguyễn Lân Cường – Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam cũng cho hay: “Hiện nay ở Việt Nam, số người có “Bàn chân Giao Chỉ” như vậy là rất hiếm. Một phần là do yếu tố di truyền, càng về sau lại càng ít. Phần nữa là điều kiện ngày xưa phải đi chân đất, lội bùn trơn trượt nên theo phản xạ sẽ phải tõe các ngón chân ra thì mới không bị ngã. Còn ngày nay, khi đời sống được nâng cao thì chúng ta được đi dép ngay từ tấm bé nên đôi chân đã vô tình được định hình một cách tự nhiên như thế rồi”. Ngoài ra, vị chuyên gia về nhân chủng và khảo cổ học cũng xác nhận, phần lớn các cụ già có “Bàn chân Giao Chỉ” thường có tuổi đời rất thọ cộng với một tình thần lạc quan, trí tuệ rất tinh tú nhờ vào thói quen sinh hoạt lành mạnh của từng người. |