Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 8/2020, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng mạnh.
Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 28/8, giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 187 Yên/kg (tương đương 1,76 USD/kg), tăng 17,3% so với cuối tháng 7/2020 và tăng 19,5% so với cùng kì năm 2019, đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng gần đây.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 28/8, giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 11.645 NDT/tấn (tương đương 1,7 USD/kg), tăng 7,4% so với cuối tháng 7/2020 và tăng 10% so với cùng kì năm 2019.
Tại Thái Lan, ngày 28/8/2020, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 56,6 Baht/kg (tương đương 1,8 USD/kg), tăng 19% so với cuối tháng 7/2020 và tăng 27,4% so với cùng kì năm 2019.
Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su tăng mạnh là do thị trường lo ngại tình trạng thiếu nhân lực khai thác mủ cao su sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cùng với thông tin tích cực từ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau nhiều tuần căng thẳng và nhu cầu cao su thế giới tháng 9/2020 được dự báo tiếp tục tăng.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới tháng 9/2020 dự kiến đạt 1,157 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kì năm trước. Xu hướng tăng này bắt đầu từ tháng 8/2020 khi các nước dần hồi phục sản xuất.
Tại Thái Lan, theo Hiệp hội Cao su Thái Lan, sản lượng cao su của nước này năm 2020 dự báo đạt 4,7 triệu tấn, giảm so với mức 4,8 triệu tấn của năm 2019. Xuất khẩu cao su đạt khoảng 3,8-3,9 triệu tấn, giảm so với mức 3,97 triệu tấn của năm 2019 do nhu cầu giảm vì đại dịch.
Tại thị trường Việt Nam, trong tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu cũng tăng theo giá của thị trường thế giới.
Cụ thể, ngày 28/8, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 275 đồng/TSC, tăng 20 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020; giá thu mua mủ tạp được điều chỉnh lên mức 240 đồng/TSC, tăng 18 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020.