Giấc mộng kì lân của startup công nghệ Việt

ictnews Việt Nam muốn có 10 kỳ lân công nghệ trong nước vào năm 2030 - đặt cược vào tiềm năng kinh doanh mạnh mẽ của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Giấc mộng "kỳ lân" của startup công nghệ Việt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoà Bình, người sáng lập NextTech.

Được thành lập vào năm 2011 với quy mô nhỏ cùng tên gọi Peacesoft, NextTech hiện là một trong những "ông lớn" công nghệ đáng chú ý nhất tại Việt Nam, với hoạt động tại 8 quốc gia khác ở Đông Nam Á và Trung Quốc. NextTech xây dựng một hệ sinh thái sâu sắc bao gồm hãng gọi xe FastGo, nền tảng cho vay ngang hàng Vaymuon, cổng thanh toán Nganluong và mạng lưới kho vận phục vụ TMĐT toàn cầu BoxMe.

Công ty này mới đây cũng công bố quỹ 10 triệu USD để hỗ trợ các startup mới mà ông Bình mong muốn sẽ dành cho những ngôi sao startup công nghệ trong mạng lưới khoảng 3.000 startup tại Việt Nam.

“Chúng tôi muốn startup phát triển ra tầm khu vực nếu mô hình của họ đã khẳng định được ở Việt Nam và họ tìm ra nhu cầu trong khu vực,” ông nói. 

“Năm hoặc sáu năm trước, sẽ thế nào nếu Grab cứ ở Malaysia mãi trong hình bóng của MyTeksi? Chắc chắn nó đã bị xoá sổ rồi".

Tham vọng kì lân

Như chúng ta đều đã biết, Grab không ở lại Malaysia nơi nó được thành lập. Grab hiện tại đã là một decacorn (startup đạt định giá trên 10 tỉ USD). Hiện diện tại 336 thành phố trên 8 quốc gia, Grab đang xây dựng mục tiêu trở thành một siêu ứng dụng. Startup tại Việt Nam thường nhìn hình ảnh của Grab trong vai trò một startup thành công và có ảnh hưởng trong khu vực.

Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để biến điều đó thành sự thật - dân số đông, tỉ lệ người dùng smartphone cao, người dùng am hiểu, thích công nghệ, tăng trưởng kinh tế nhanh và nhân sự giỏi. Bên cạnh VNG (đạt danh hiệu kì lân vào năm 2016), Việt Nam chưa có startup công nghệ kì lân thứ hai. VNG mất tới 12 năm để đạt định giá 1 tỉ USD, song sự hiện diện của nó lại không đậm nét như Gojek hay Grab ở Đông Nam Á.

Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu táo bạo: 10 startup kỳ lân Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cho tới năm 2030. Chuyển đổi số, doanh nhân và công nghiệp 4.0 là những từ khoá được chính phủ nhắc đi nhắc lại bởi Việt Nam không muốn là người đi sau láng giềng. Bên cạnh hình ảnh một quốc gia sản xuất, Việt Nam muốn tiến xa hơn và có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ giá trị gia tăng, KrASIA bình luận.

Làn sóng đầu tư

Vài năm trở lại đây, vốn cho các công ty công nghệ bắt đầu đổ về Việt Nam. Gần đây, VNPAY nhận được 300 triệu USD đầu tư từ Softbank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC.

Giấc mộng "kỳ lân" của startup công nghệ Việt - Ảnh 2.

Vốn đầu tư cho các startup công nghệ ở Việt Nam tăng mạnh nửa đầu 2019.

Theo một báo cáo từ Cento Ventures và ESP Capital, trong 6 tháng đầu năm nay, startup Việt Nam đã gọi được tổng cộng 246 triệu USD với 58 thương vụ, tăng lên từ con số 166 triệu USD của cùng kì năm ngoái. Ước tính đến cuối năm, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 800 triệu USD.

Chỉ trong vỏn vẹn hai năm, báo cáo này cho biết Việt Nam tăng hạng từ vị trí số 5 lên vị trí số 3 các quốc gia khởi nghiệp năng động trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia và Singapore.

Định hướng khu vực

Khanh Tran, đối tác của VinaCapital Ventures ở TP HCM, nói nhiều startup tại Việt Nam có định hướng toàn cầu ngay từ khi bắt đầu. “Họ có tầm nhìn và quan trọng hơn là mô hình kinh doanh có thể nhân rộng ra quy mô khu vực và toàn cầu".

Ra mắt năm 2018, VinaCapital Ventures là quỹ đầu tư công nghệ 100 triệu USD của VinaCapital, một trong những công ty đầu tư quản trị lớn nhất Việt Nam. Với mục tiêu phát triển mạnh mẽ các công ty công nghệ tại Việt Nam và hỗ trợ chúng mở rộng, danh mục đầu tư hiện tại của VinaCapital Ventures hiện bao gồm FastGo, Logivan và Timo.

Theo Khanh Tran, một trong những điểm cộng của Việt Nam so với các quốc gia khác là số lượng lớn nhân sự từng sống và làm việc ở nhiều trung tâm công nghệ như Silicon Valley trở về nước và cống hiến.

Một trong số đó là Lam Tran, cựu Giám đốc marketing của Tiki và cựu nhân viên Google. Anh sáng lập startup đăng kí đời sống Wisepass vào năm 2016. Startup này cho phép ngươi đăng kí sử dụng nhiều dịch vụ đời sống, như ẩm thực, vé xem phim hay cà phê với mức chiết khấu cao trên khắp Đông Nam Á. Lam Tran đang nỗ lực mở rộng dịch vụ. Hiện tại, Wisepass có mặt tại hơn 300 điểm ở Hà Nội, TP HCM, Bangkok và Manila.

Lam Tran chia sẻ để mở rộng ra khu vực, có rất nhiều thách thức mà Wisepass phải vượt qua như địa phương hoá dịch vụ, tuân thủ quy định từng quốc gia và thực hiện marketing đúng đối tượng.

Lam Tran hi vọng Việt Nam sẽ sớm có startup kì lân tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ, song anh nhận định trước đó những hành lang pháp lí cần thông thoáng và nhất quán. “Khi gọi vốn, ai cũng sang Singapore,” Lam Tran nói thêm. “Dù thích hay không, đó là sự thật".

Hỗ trợ từ Chính phủ

Chính phủ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các sáng kiến để hỗ trợ startup, ví dụ như dự án cấp quốc gia cho mô hình kinh tế chia sẻ, miễn thuế cho startup trong bốn năm đầu tiên, giảm 50% thuế cho 9 năm hoạt động tiếp theo cùng với đó là các dự án như Make in Vietnam.

Tinh thần khởi nghiệp đang rất cao tại Việt Nam, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới khi cứ 4 người trẻ thì có một người muốn làm chủ.

“Chúng ta không thể kì vọng Việt Nam có nhiều nguồn lực như Singapore nhưng bạn phải thích nghi với những gì mình có,” ông Nguyễn Hoà Bình nói. 

“Những tôi nghĩ mở rộng là cách để khác biệt hoá hình ảnh trong mắt nhà đầu tư bởi họ thường chỉ nhìn đến các công ty có thể mở rộng ra Đông Nam Á".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.