Đó là cách các quỹ mạo hiểm làm giàu mặc dù đa phần các startup nổi tiếng hiện vẫn đang lỗ triền miên.
Tỉ phú Masayoshi Son và Hoàng thái tử Ảrập Saudi Mohammed bin Salman tại một hội nghị đầu tư ở Riyadh, Ảrập Saudi.
Tờ New York Times tập trung vào một nhà đầu tư như thế để cho thấy họ đang phá hỏng môi trường kinh doanh bình thường như thế nào: Tập đoàn SoftBank và tỉ phú Masayoshi Son.
Gốc Hàn Quốc nhưng Masayoshi Son lớn lên ở Nhật Bản, học công nghệ thông tin tại Đại học Berkeley, nơi ông khởi sự kinh doanh bằng cách chế tạo một máy dịch điện tử sau này bán cho hãng Sharp. Năm 1981, ông mở một cửa hàng bán linh kiện máy tính tại Tokyo, đặt tên là SoftBank, rồi dần dần xây dựng nó thành một tập đoàn công nghệ và viễn thông.
Năm 2000, ông đầu tư 20 triệu đô la Mỹ vào Alibaba, món đầu tư nay có giá trị lên đến 119 tỉ đô la Mỹ, mặc dù ông đã bán bớt một phần cách đây ba năm. Thương vụ đầu tư vào Alibaba cũng làm tài sản riêng của Son tăng vọt lên 20 tỉ đô la Mỹ.
Masayoshi Son muốn lập lại thành công như kiểu Alibaba với nhiều doanh nghiệp khác. Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank một lần nữa được ca tụng lên mây, khi món đầu tư của họ vào Flipkart, doanh nghiệp thương mại điện tử Ấn Độ, vào năm 2017, đã đem lại món lãi đến 1,7 tỉ đô la, khi Walmart mua lại doanh nghiệp này vào năm ngoái.
Với 100 tỉ đô la Mỹ trong tay, SoftBank rót tiền vào rất nhiều startup nổi tiếng như Uber, Grab, WeWork, Slack... với tham vọng thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại, giải trí... Chính Son đã vạch một kế hoạch 300 năm biến SoftBank thành một tập đoàn hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ tiên tiến khác.
Tiền đầu tư của SoftBank được một số startup xem như đích đến thành công, nên nhiều startup vất bỏ mọi sự cẩn trọng, ngó lơ các khoản lỗ nặng, thậm chí tạo ra một lối suy nghĩ trong cộng đồng startup, rằng các khoản lỗ chính là huy chương thành công gắn lên ngực. Triết lí của SoftBank được các nhà đầu tư khác ở Phố Wall làm theo, tạo ra một môi trường startup với những nguyên tắc kinh doanh đảo ngược mọi lý lẽ thông thường.
Nhưng, theo New York Times, Phố Wall dường như đã tỉnh ngộ, không còn đeo đuổi rót tiền vào các chiếc thùng không đáy này nữa.
Giá cổ phiếu của Uber đã giảm mất 30% kể từ khi lên sàn vào tháng 5; giá cổ phiếu của Slack, một dạng không gian làm việc chung, giảm đến 40% kể từ ngày giao dịch đầu tiên vào tháng 6.
WeWork từ một ngôi sao sáng trong làng startup, chuyên cung cấp không gian làm việc chung và các loại dịch vụ cho các startup hay doanh nghiệp khác, nay gặp khủng hoảng. Tổng giám đốc điều hành phải từ chức sau khi WeWork lên sàn bất thành.
Các lời phê phán SoftBank tập trung vào chuyện các khoản đầu tư dễ dãi của họ đã làm vẩn đục môi trường hoạt động của các doanh nghiệp non trẻ, khi khuyến khích người đứng đầu doanh nghiệp cứ chấp nhận rủi ro mà không chịu xây dựng doanh nghiệp bền vững, có thể chịu được sự thăng trầm của nền kinh tế.
Ngay cả Masayoshi Son cũng phải thừa nhận các doanh nghiệp mà tập đoàn của ông đầu tư cần phải nhanh chóng trở nên bền vững về mặt tài chính, ý nói chấm dứt thua lỗ, bắt đầu làm ra lãi. Len Sherman, giáo sư trường Columbia Business School, nói ông hi vọng đây là điểm tới hạn để sau cùng thị trường vốn bừng tỉnh mà chấm dứt cách hành xử điên rồ.
Về mặt tài chính, SoftBank ắt phải ghi nhận lỗ cho một số khoản đầu tư. Ví dụ, khi đầu tư vào WeWork vào tháng 1, SoftBank định giá WeWork ở mức 47 tỉ đô la Mỹ - nay giá của nó chỉ còn ở mức 15 tỉ đô la Mỹ mà cũng chưa lên sàn được. Nếu thị trường định giá WeWork ở mức này, SoftBank phải chịu ngay một mức lỗ 2 tỉ đô la Mỹ.
Cú lỗ này có tác dụng xấu lên nỗ lực gọi vốn cho một quỹ Vision Fund thứ hai, dự kiến sẽ huy động được 108 tỉ đô la. Các nhà đầu tư vào quỹ Vision Fund thứ nhất tại Ảrập Saudi và Abu Dhabi chưa tỏ ý mong muốn đầu tư thêm nữa.
Các khoản đầu tư vào doanh nghiệp không phải là startup của SoftBank cũng không suôn sẻ.
Năm 2013, Son bỏ ra 21,6 tỉ đô la và nhận nợ thêm nhiều tỉ đô la nữa, để mua cổ phần chi phối hãng viễn thông Sprint. Son hứa hẹn sẽ giúp Sprint bắt kịp các đối thủ như Verizon hay AT&T, bằng cách nâng cấp mạng lưới để cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh hơn, tốt hơn.
Lời hứa chưa biến thành hiện thực khi lợi nhuận của Sprint vẫn giữ nguyên như cũ. Hiện nay Sprint không chỉ tụt hậu xa hơn đối thủ chính mà còn mất khách vào tay T-Mobile, một đối thủ nhẹ cân hơn.
Đến năm ngoái, SoftBank mới kí hợp đồng bán Sprint cho T-Mobile nhưng đang bị các cơ quan quản lí Mỹ phản đối. Nếu việc sáp nhập không thành, nhiều chuyên gia thị trường cho rằng cổ phiếu Sprint sẽ mất hết giá trị.
Tờ New York Times trích lời các nhà phân tích cho rằng sai lầm của SoftBank là các khoản đầu tư của họ vào các startup làm nâng giá trị của các startup này lên nhiều lần, một giá trị ảo mà các nhà đầu tư khác không sẵn lòng bỏ tiền ra để tham gia.
Ví dụ với WeWork, chỉ cần gặp nhà sáng lập và Tổng giám đốc Adam Neumann chừng 1 tiếng đồng hồ vào năm 2016, là Son đồng ý rót tiền. Năm 2017, họ định giá WeWork ở mức 20 tỉ đô la; đến tháng 1 năm nay, SoftBank đầu tư thêm và định giá WeWork ở mức 47 tỉ đô la!
Các khoản tiền y như được các tay phù thủy biến hóa tạo ra từ không khí.