Theo tạp chí Tài Kinh, hồi tháng 3 Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo tổng đầu tư vào kinh tế chia sẻ tại quốc gia này năm 2018 chỉ đạt 22,3 tỉ USD. Con số này thấp hơn tới 65% so với mức 34,28 tỉ USD của năm 2017.
Đầu tư vào các dịch vụ chia sẻ giao thông - nơi sản sinh ra các startup đình đám như hãng dịch vụ vận tải Didi Chuxing, các ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike và Ofo - sụt 61% xuống còn 5,88 tỉ USD. Hồi năm 2017, Didi, Mobike và Ofo đều được các quỹ đầu tư mạo hiểm bơm từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD.
Năm 2016 và 2017 là giai đoạn kinh tế chia sẻ bùng nổ tại Trung Quốc với sự ra đời của hàng nghìn startup. Trong năm 2016, các quỹ đầu tư đổ 31 tỉ USD vào các startup chia sẻ, tăng 20% so với năm 2015. Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc ước tính ở thời điểm đó, đã có tới 600 triệu người tham gia vào các hoạt động kinh tế chia sẻ.
Các startup chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đồng loạt gục ngã. (Ảnh: Reuters).
Không phải ngẫu nhiên đầu tư trong năm 2018 sụt giảm tới 65%. Theo South China Morning Post, một số nhà phân tích kinh tế khẳng định trên thực tế, cuộc chạy đua đầu tư vào các dịch vụ chia sẻ đã bắt đầu nguội dần trong nửa cuối năm 2017.
Bởi đằng sau các con số hào nhoáng và những tuyên bố chấn động, nền kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc cũng đã sinh ra một “nghĩa địa” rộng lớn. Ở đó, có vô số “xác chết” từng là các startup được kì vọng cao và nhận hàng núi tiền. Nhiều startup khác chưa sụp đổ nhưng cũng sống vất vưởng chẳng khác gì xác chết biết đi.
Sự thảm hại của mô hình kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực giao thông. Đầu tiên là các ứng dụng chia sẻ xe đạp. Ý tưởng chia sẻ xe đạp rất đơn giản. Một người dùng smartphone quét mã QR, lấy xe đạp đi rồi đặt nó gọn gàng trên lề đường, để cho người khác sử dụng tiếp.
Theo Foreign Policy, ước tính từ năm 2014 đến 2017, có tới 60 startup lao vào ngành kinh doanh chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc. Khoảng 16-18 triệu xe đạp được đưa vào sử dụng tại các thành phó lớn. Các startup Ofo và Mobike trở thành những “kì lân” sừng sỏ. Năm 2017, Ofo đạt giá trị vốn hóa 2 tì USD và có 62,7 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng.
Nhưng bong bóng chia sẻ xe đạp nhanh chóng tan vỡ trong vài năm. Số lượng xe đạp xuất hiện ồ ạt khiến không gian đô thị các thành phố lớn trở nên chật chội. Vấn đề lớn hơn là các startup đua nhau hạ giá dịch vụ để giành thị phần, rốt cuộc đốt sạch tiền đầu tư rồi phá sản.
Một nghĩa địa xe đạp ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2017, lần lượt các startup Kuqi Bikes, Bluegogo, Dingding Bikes, 3Vbikes và Wukong Bikes ngừng hoạt động. Tháng 4/2018, Mobike bị dịch vụ giao đồ ăn Meituan Dianping mua lại. Còn Ofo đang trở thành một zombie đích thực: hoạt động cầm chừng, cân nhắc tuyên bố phá sản, chật vật lo trả tiền cho người dùng đòi cọc.
Hậu quả của bong bóng chia sẻ xe đạp là vô số nghĩa địa xe đạp mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc. Tương tự, dịch vụ chia sẻ xe ôtô điện cũng bùng lên ở Trung Quốc hồi năm 2017 và hàng loạt startup ra đời. Quy mô ngành chia sẻ ôtô điện được xác định ở mức 18 tỷ USD.
Nhưng cũng giống như những gì xảy ra với chia sẻ xe đạp, những startup như Ezzy và Uu nhanh chóng phá sản, sau khi đổ hết tiền đầu tư vào các gói khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Chất lượng tệ hại của ôtô điện Trung Quốc cũng là lí do khiến dịch vụ không thu hút người dùng.
Theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC) hồi cuối năm 2017, ngành công nghiệp chia sẻ xe tại Trung Quốc gánh lỗ từ 50-120 nhân dân tệ (7,5-18 USD)/xe mỗi ngày. Đầu năm nay, nhiều nghĩa địa xe ôtô điện cũng xuất hiện ở Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là bãi xe điện của Microcity - startup chia sẻ xe điện hàng đầu Trung Quốc - ở Hàng Châu.
Hàng trăm xe ôtô điện bị vứt bỏ ở Hàng Châu. (Ảnh: Chinanews).
Nhưng ở Trung Quốc, kinh tế chia sẻ không giới hạn ở ôtô, xe đạp hay không gian văn phòng và khách sạn. Cơn sốt chia sẻ điên rồ cuốn theo mọi thứ có thể chia sẻ được. Và vô số câu chuyện bi hài đã xảy ra. Ví dụ, trong hai năm 2016 và 2017, hàng chục startup chia sẻ ô (dù) “từ trên trời rơi xuống”.
Molisan cho thuê ô với giá chỉ 30 cent/ngày trong 2 tuần đầu. Khách hàng chỉ cần dùng smartphone quét mã QR và đặt cọc 2,8 USD. Startup OTO phân phối ô tới 3 thành phố. Còn Sharing E Umbrella nhận đầu tư 1,5 triệu USD hồi tháng 5/2018 để cung cấp dịch vụ ở 11 thành phố, bao gồm Thâm Quyến và Thượng Hải, nơi mùa mưa kéo dài.
Và Sharing E Umbrella mất sạch 300.000 chiếc ô sau một thời gian ngắn hoạt động. Người sáng lập Zhao Shuping cho biết giá mỗi chiếc lên đến 9 USD. Một số startup chia sẻ ô khác cũng gặp tình trạng tương tự.
Sharing E Umbrella phân phối ô trên tàu điện ngầm và các trạm xe buýt, nhưng khách hàng chẳng buồn trả lại ô cho hãng mà đem luôn về nhà sau khi sử dụng.
Ô (dù) cho thuê ở Phố Đông, Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
“Tôi nghĩ có thể chia sẻ mọi thứ. Nhưng tôi đã sai. Người ta chỉ chia sẻ ô với người thân trong gia đình chứ không làm vậy với người lạ”, The Paper dẫn lời ông Zhang than thở.
Phong trào chia sẻ sạc điện thoại cũng lan tỏa được vài tháng trước khi hụt hơi hồi năm 2017. Theo Tài Kinh, thời điểm đó một số quỹ như Tencent Holdings và Sequoia Capital đã đổ hàng chục triệu USD vào các startup chia sẻ sạc điện thoại.
Tháng 10/2017, công ty LeDian ở Hàng Châu ngừng hoạt động, sau đó hàng loạt startup khác cũng lặn mất tăm. LeDian phân phối hàng trăm pin sạc dự phòng ở các trung tâm mua sắm và trạm xe buýt tại Hàng Châu. Người sử dụng cũng dùng smartphone quét mã QR, trả tiền cọc rồi dùng sạc.
Các startup này lập luận rằng giá mỗi cục pin sạc dự phòng vào khoảng vài chục NDT. Trung bình mỗi lần sạc khách hàng trả 1 NDT. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn dịch vụ sẽ sinh lãi. Nhưng vấn đề là phần đông người dùng smartphone ở Trung Quốc đã có sẵn pin sạc dự phòng. Hơn nữa, pin của điện thoại ngày càng được cải thiện.
Làn sóng chia sẻ sạc điện thoại bùng lên bất ngờ rồi nhanh chóng tắt ngóm ở Trung Quốc. (Ảnh: Sixth Tone).
Hàng loạt dịch vụ chia sẻ khác như chia sẻ bóng rổ, đèn đọc sách, đồ chơi, quạt điện, buồn ngủ mini… cũng rộ lên ở Trung Quốc trong một thời gian ngắn rồi tàn lụi. Số lượng “xác chết” nằm trên nghĩa địa kinh tế chia sẻ Trung Quốc tiếp tục gia tăng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trên Asia Society, chuyên gia tư vấn April Rinne, thành viên Ủy ban Kinh tế Chia sẻ Quốc gia Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh coi kinh tế chia sẻ là một ưu tiên quốc gia từ cuối năm 2015. Ngay lập tức, dòng đầu tư ồ ạt đổ vào các dịch vụ chia sẻ.
“Một phần tâm lí của người Trung Quốc là muốn đi tiên phong trong lĩnh vực kinh tế kĩ thuật số. Nhiều doanh nhân và nhà đầu tư cũng có tâm lí ‘mọi người cùng tham gia kìa, chúng ta cũng phải chạy theo’. Họ bơm quá nhiều tiền vào kinh tế chia sẻ mà không nghiên cứu kỹ về nó. Người Trung Quốc rồi sẽ phải tỉnh mộng về kinh tế chia sẻ”, chuyên gia Rinne nhấn mạnh.