Bài toán kinh tế chia sẻ đặt mô hình giao hàng nhanh thời thương mại điện tử nở rộ hơn khi càng có nhiều ứng dụng cho phép người dùng chỉ cần một nút chạm là có thể đáp ứng nhu cầu của mình.
Ứng dụng giao hàng nhanh đang được mở rộng.
Nếu như trước kia, việc gửi một món hàng buộc người dùng phải tới bưu cục thì nay, mọi thứ đã khác kể từ lúc ứng dụng giao hàng lên ngôi. Không chỉ là giao hàng nhanh, mà loại hình ứng dụng cũng mở rộng nhiều hình thức khác cho nhu cầu đa dạng người dùng.
Với dịch vụ giao hàng nhanh Grab, dù được cho là mới mẻ giai đoạn vài năm trước thì nay, nhiều đối thủ đã dần lộ diện. Cục diện cạnh tranh còn được mở rộng khiến mô hình này đang bị lép vế nhiều hơn.
Không đâu xa xôi, Go-Viet là một ví dụ điển hình khi cạnh tranh giao hàng nhanh GrabExpress với tên gọi Go-Send. Hoạt động khá giống nhau, GrabExpress có thể được cải tiến hơn khi giao hàng trong ngày theo lịch hẹn với mức tiết kiệm, được xem là một lợi thế của người đi trước khi áp dụng cho cả COD số tiền 1 triệu đồng.
MyGo của Viettel Post cho phép giao hàng nhanh thông qua xe máy lẫn xe tải.
Tương tự như MyGo của Viettel Post, ứng dụng này còn cho phép giao hàng dạng COD áp dụng cho nhiều đơn hàng. Hay như ứng dụng Ahamove với một loạt hình thức giao hàng tiết kiệm cho người dùng như siêu tốc, 4h, siêu rẻ, đồng giá 25...
Trong cuộc chiến ứng dụng giao hàng nhanh, không khó để thấy mô hình sử dụng xe hai bánh đang được cạnh tranh khá mạnh. Một núi tiền đã được đổ vào để đẩy mạnh dịch vụ, điển hình như Grab thời gian qua là một ví dụ.
"Thương chiến sẽ rất khó khăn nếu chúng tôi cạnh tranh bằng chính những gì đã có, cải tiến chính là yếu tố hàng đầu nếu không muốn bị ngã ngựa", đại diện một đơn vị phát triển ứng dụng gọi giao hàng bằng xe tải cho biết.
Giao hàng thời công nghệ cho hình thức kết hợp giữa containet và tàu thủy.
Có thể nhìn thấy thị trường ngách như Lalamove là một ví dụ điển hình. Theo đơn vị này cho biết, hình thức giao hàng song song với 2 bánh, nay mở rộng hơn cho loại xe tải nhỏ 500kg và loại 1 tấn. Các dịch vụ đi kèm giao hàng thu tiền, khứ hồi, giao hàng nhanh trong 2 giờ... cũng được cung cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng người dùng.
Một đối thủ mới của mô hình giao hàng thời công nghệ vừa ra mắt thời gian qua là MyGo của Viettel cũng đã có những bước tiến mới khi cung cấp nhiều loại hình mà Grab chưa thể có được.
Với ứng dụng này, theo đại diện Viettel Post, người dùng có thể chọn xe tải từ 500 kg đến 13 tấn, các dòng xe phủ dày theo nhu cầu người dùng khi chỉ bằng 1 cú chạm tay.
Không chỉ mở rộng hơn cho giao hàng bằng xe hai bánh, xe tải, mà nhiều đơn vị đã chọn hướng ngách khi phát triển ứng dụng trên cả container hoặc thậm chí là tàu thủy trong xu hướng kinh tế chia sẻ phát triển mạnh.
Điển hình như ứng dụng Lokaloop dành cho nhu cầu vận chuyển hàng bằng container và tiếp đến là tàu thủy, vốn đang chưa có nhiều cạnh tranh trên lợi thế về hạ tầng sẵn có cho giải pháp giao hàng đa phương thức.
Ứng dụng giao hàng Lokaloop với lợi thế thị trường ngách. (Ảnh: Minh Định).
Theo đại diện đơn vị phát triển, vì là loại hình chuyên biệt kết hợp cho cả xe container lẫn tàu thủy nên đối tác chủ hàng sẽ tiết kiệm ít nhất 30% chi phí với tính năng tìm xe trống chiều về.
Bên cạnh đó, đơn hàng còn được giao chất lượng hơn nhờ đấu giá trực tuyến từ các chủ xe, cũng như có theo dõi đơn hàng để chủ động.
Cục diện ứng dụng giao hàng nhanh thời công nghệ có thể sẽ thay đổi, khi mà nền kinh tế chia sẻ đang rất nhiều và len lỏi vào cuộc sống. Ở đó, nếu không thay đổi hoặc phát triển theo ngách phù hợp, thì cả GrabExpress hay Go-Send cũng sẽ dần lỗi thời, để thay vào đó là những nền tảng mới cạnh tranh.
Những gương sáng công nghệ như hTC, Nokia từng một thời làm mưa gió thị trường, rồi cũng đành trở thành dĩ vãng khi thiếu sự cải tiến. Thì với lĩnh vực giao hàng nhanh, Grab hay Go-Viet hay thậm chí bất kỳ thương hiệu nào cũng cần làm mới mình trong xu hướng cạnh tranh phù hợp thời công nghệ 4.0 nếu thật sự quan tâm thị trường và người dùng.