Mạng xã hội Lotus đã chính thức ra mắt được một tuần. Với màn ra mắt hoành tráng, sức hút của nó đến nay vẫn chưa hết nóng trên hầu hết các diễn đàn internet.
Bằng chứng là đã có hơn 1 triệu lượt tải mạng xã hội Lotus trên hai nền tảng Android và iOS cùng với việc nhiều ngày liền giữ Top 1 trên App Store và Google Play.
VCCorp – đơn vị chủ quản của Lotus giới thiệu rằng, Lotus sẽ không đi vào thị trường ngách mà sẽ tạo ra những nội dung phổ biến, đáp ứng được nhu cầu của mọi lứa tuổi, tầng lớp người dùng.
Tuy nhiên, sau tròn một tuần được trải nghiệm mạng xã hội Lotus, nhiều người dùng băn khoăn đặt ra câu hỏi: Vậy mạng xã hội Lotus là gì? Hay đúng hơn là cái gì sẽ định danh Lotus, khiến người dùng có lí do để mở app và sử dụng mỗi ngày, trước bối cảnh tràn ngập các thể loại mạng xã hội như hiện nay.
Nhìn lại lịch sử, ngày 19/11/1997 Việt Nam chính thức gia nhập vào mạng Internet toàn cầu. Bên kia bờ Đại Tây Dương Yahoo! Messenger phiên bản đầu tiên cũng ra đời một năm sau đó, năm 1998 tại Hoa Kì.
Những thập niên đầu 2000, Yahoo! được xem là một gã khổng lồ Internet không có đối thủ trong làng công nghệ, từ tìm kiếm, mạng xã hội đến truyền thông, quảng cáo,…
Vào năm 2009, Yahoo! Messenger đã vượt mốc 120 triệu người dùng thường xuyên, từ đó phát triển nở rộ cho đến khi các ứng dụng OTT ra đời thì thả dốc không phanh.
Trải qua 20 năm lịch sử vận hành với những tháng ngày oanh liệt thì đến ngày 17/7/2018 Yahoo! Messenger chính thức đóng cửa.
Tượng đài Yahoo! sụp đổ. (Ảnh: Newshub).
Trong hơn hai thập kỉ tồn tại, Yahoo! đã nhiều lần bỏ lỡ những cơ hội giúp hãng tạo nên lịch sử, thay đổi cuộc chơi trong làng công nghệ thế giới, để chỉ đến vài năm sau đó, gã khổng lồ bị đánh bại bởi những sai lầm đó của mình.
Năm 2002, Yahoo! từ chối mua Google với giá vỏn vẹn có 3 tỉ USD. Năm 2006, Yahoo! tiếp tục bỏ lỡ cơ hội mua Facebook với giá cũng khoảng 1.2 tỉ USD.
Cùng năm đó, tại một khách sạn được xếp hạng năm sao ở San Jose, bang California, Yahoo! tổ chức một bữa tiệc dành riêng cho ban lãnh đạo của công ty. Bữa tiệc đó mọi người bàn về brand positioning (tạm dịch: Định vị thương hiệu) của những gã khổng lồ internet, trong đó có Yahoo!.
Thật dễ dàng khi nhắc đến Google, người ta nói "Search engine"; nhắc đến Intel, người ta nói "Chip"; nhắc đến PayPal, người ta nói "Payment"; nhắc đến Microsoft, người ta nói "Computer OS"...
Thế rồi, một giám đốc cấp cao cất tiếng hỏi: "Vậy Yahoo! là gì?".
Có người nói "phương tiện truyền thông", người lại cho rằng nó là "tin tức", "mạng xã hội", người thì nói "email", rồi "công cụ tìm kiếm"...
Vậy cuối cùng Yahoo! là công ty công nghệ hay công ty truyền thông? – Vị giám đốc hỏi tiếp. Tuy nhiên, không ai trả lời được câu hỏi quá khó đó.
Và kể từ đêm tàn canh hôm ấy, Yahoo! lao dần xuống theo các báo cáo line chart.
Để rồi vào tháng 6/2017, Yahoo! quyết định "bán thân" cho Verizon với giá chỉ 4.5 tỉ USD. Verizon mua Yahoo! để sáp nhập cùng AOL nhằm xây dựng đế chế truyền thông, với tên gọi là Oath.
Chính thức từ lúc này, Yahoo! được định nghĩa là "công ty truyền thông", thương vụ cuối cùng đã giải thích cho cả thế giới hiểu mô hình của Yahoo là gì.
Tròn một tuần người dùng được trải nghiệm những tính năng của Lotus, nhưng vẫn thật khó để nói rằng ứng dụng này nổi bật so với các mạng xã hội hiện hữu.
Anh Trọng Nghĩa, 26 tuổi, một dịch giả tự do tại TP HCM cho biết, cảm giác Lotus là một trang tổng hợp tin tức hơn là một mạng xã hội. Có quá nhiều đầu báo xuất hiện trên bảng tin, nhưng lại ít các bài đăng của người dùng.
Đại diện mạng xã hội Lotus cũng cho biết, họ đã có hơn 500 nhà sáng tạo nội dung với 30 nguồn báo chính luận và con số này còn có thể tăng lên.
Đại diện Lotus cũng cho biết, họ đã có hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trên Lotus với 30 nguồn báo chính luận và con số này còn có thể tăng lên.
Với 500 nhà sáng tạo nội dung đang hoạt động trên Lotus nhưng hiện tại, mạng xã hội này chưa cho thấy được nó sẽ có những nội dung độc quyền, chỉ người dùng mới có thể thưởng thức được.
Vừa qua, để thu hút người dùng Apple TV+, Táo khuyết cũng đã cam kết sẽ chi khoảng 6 tỉ USD trong vòng 3 năm tới để sản xuất những nội dung độc quyền.
Rõ ràng là, việc so sánh chú tí hon mạng xã hội Lotus với gã khổng lồ Apple quả là khập khiễng. Nhưng phải nói rằng, đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội này chưa đưa ra được những hành động cụ thể cho câu slogan "Nội dung là vua" của mình.
Nội dung không thu hút, người dùng cũng chưa thể cá nhân hóa được nguồn tin trên bảng tin của mình, có rất nhiều thông tin không cần thiết, mặc dù được đội ngũ của mạng xã hội Lotus liên kết theo dạng chùm bài, nhưng không phản ánh được nội dung người dùng thực sự muốn đọc.
Luồng thông tin trên mạng xã hội Lotus chưa được tối ưu và cá nhân hóa.
Trong khi đó, Phương Hạ - một biên tập viên sách, sinh sống tại Biên Hòa – Đồng Nai, lại cho rằng, mạng xã hội Lotus như một trang blog thu nhỏ, "nơi mình được cung cấp những công cụ cần thiết để tạo bài viết", Hạ chia sẻ.
Nhưng với những người làm việc với chữ nghĩa như Phương Hạ, cô băn khoăn về vấn đề bản quyền các bài viết trên mạng xã hội Lotus, liệu rằng nó có được bảo vệ đúng nghĩa như cách mà VCCorp cam kết.
Mạng xã hội Lotus cũng cam kết "sẽ có quảng cáo, sẽ có tiền" cho nhà sản xuất nội dung. Thế nhưng đến nay, tiền này được tính toán, chi trả ra sao thì không phải ai cũng biết.
"Trong khi đó, khi viết bài trên các nền tảng khác, mình sẽ được chia sẻ lợi nhuận thông qua quảng cáo, hợp tác với nhãn hàng,… nhưng trên mạng xã hội Lotus thì chưa thấy điều này", Phương Hạ chia sẻ.
Ngoài ra, tính năng tương tự như CMS để người dùng soạn thảo Blog hiện cũng đang gặp lỗi, như không thể hiển thị ảnh, lỗi font chữ,… Dù mạng xã hội Lotus vẫn đang trong giai đoạn beta, vẫn sẽ có nhiều sạn, thế nhưng việc thao tác không mượt mà trên ứng dụng cũng sẽ khiến nhiều nhà sáng tạo nội dung không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu rằng đã sẵn sàng để họ "chuyển nhà"?.
Token trên mạng xã hội Lotus còn thiếu nhiều ứng dụng thực tế.
Một tính năng có vẻ mang màu sắc "mạng xã hội" hơn đó là Token – một dạng điểm thưởng trên Lotus thì cũng đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau trên các diễn đàn.
Theo đó, người dùng càng sử dụng nhiều Lotus: xem, đọc, chia sẻ, tạo bài viết mới,… thì Token tích được càng nhiều. Token tương tự một thước đó mức độ hoạt động của người dùng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, VCCorp có vẻ đang loay hoay với việc biến Token thành những công cụ hữu ích, cụ thể hơn. Hiện người dùng cũng chỉ dừng lại ở việc tặng Token cho nhau, nếu gặp nội dung hay, hấp dẫn, thế nhưng việc "tiêu Token", áp dụng nó vào trong cuộc sống như thế nào thì vẫn đang là một câu hỏi để ngỏ.
Mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Facebook cũng đã đang phát triển một đồng tiền ảo, có tên là Lybra với tham vọng sẽ biến những giá trị ảo trên mạng xã hội thành những giá trị thật, giúp ích cho cuộc sống của những người sử dụng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc tặng thưởng coin hay quà đã được nhiều mạng xã hội áp dụng khi muốn lôi kéo một lượng khách hàng hay user nhiều nhất có thể trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh mạng xã hội Social+, vẫn là tặng coin, tặng quà trên trang mạng xã hội đó nhưng những phần thưởng này đã có thể được quy đổi thành tiền thật, quà thật. Đây là cách để giữ chân người dùng trung thành hơn với trang mạng xã hội đó.
Thành công của các công ty với mô hình Social+ là đạt hàng triệu người dùng tích cực trong khoảng thời gian ngắn. Mô hình này cho thấy hiệu quả về việc tạo sự gắn bó của khách hàng và khuyến khích họ quay trở lại sử dụng mạng xã hội.
Do đó, có thể thấy mạng xã hội Lotus đang cố ôm dồn nhiều vai trò khác nhau, từ sáng tạo nội dung, phân phối tin tức đến mạng xã hội mà chưa thể làm "tròn vai" trong lĩnh vực nào cả.
Lotus khẳng định, họ sinh ra không phải là để cạnh tranh lại với Facebook. Thể nhưng, bài học nhãn tiền từ Yahoo! cho thấy, khi doanh nghiệp không thể định danh được thương hiệu của mình, đồng nghĩa với việc nó sẽ bị lu mờ trong tâm trí khách hàng sau giai đoạn "sốt truyền thông".
Tại Việt Nam, rất nhiều các trang mạng xã hội trước đó đã vướng phải thực trạng này, dẫn tới cảnh "sớm nở tối tàn", ra mắt thì rầm rồ, được nhiều người quan tâm dùng thử. Nhưng rồi cuối cùng, Facebook vẫn là ứng dụng "chào buổi sáng" của nhiều người và vẫn là màn hình cuối cùng người dùng lướt ngón tay khi màn đêm khép lại.