Ông trùm đầu tư Nhật gây ra cú bốc hơi 37 tỉ USD của startup WeWork?

Cuộc khủng hoảng của WeWork có thể đã không xảy ra nếu SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son chỉ coi startup này là một công ty địa ốc, thay vì một hãng công nghệ tăng trưởng nhanh.

Theo CNBC, khi CEO SoftBank Masayoshi Son và các cấp dưới tuyên bố hồi tháng 1/2019, rằng giá trị vốn hóa của công ty chia sẻ văn phòng WeWork đạt 47 tỉ USD, đã có rất nhiều người bày tỏ sự nghi ngại.

Một số nhà đầu tư cho rằng giá trị vốn hóa của WeWork thực tế chỉ bằng 1/4 con số trên. Và thực tế đã cho thấy những nghi ngại này có cơ sở. Khi xin giấy phép phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), WeWork đã trình hồ sơ tài chính lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Ông trùm đầu tư Nhật gây ra cú bốc hơi 37 tỉ USD của startup WeWork? - Ảnh 1.

Giá trị vốn hóa của WeWork tụt dốc thảm hại sau khi kết quả kinh doanh của công ty được công bố, cho thấy tình trạng lỗ chồng lỗ. (Ảnh: Getty Images).

Hồ sơ này cho thấy WeWork bị lỗ chồng lỗ suốt hơn 3 năm qua. Riêng năm 2018, WeWork lỗ tới 1,6 tỉ USD. Nửa đầu năm 2019, công ty này đã lỗ 1,3 tỉ USD. Theo Reuters, sau 4 tuần giá trị vốn hóa của WeWork bay hơi khoảng 37 tỉ USD, hiện chỉ còn chưa đầy 10 tỉ USD.

Hậu quả là WeWork phải hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO. CEO Adam Adam Neumann từ chức, hai phó tướng là Artie Minson và Sebastian Gunningham lên thay. Giới quan sát nhận định tương lai của WeWork rất u ám vì mô hình kinh doanh sai lầm.

Lạc quan thái quá

Vậy tại sao SoftBank sẵn sàng đầu tư tới 10,5 tỉ USD vào WeWork (bao gồm 4 tỉ USD thông qua quỹ Vision Fund) và xác định giá trị thị trường của hãng này cao đến vậy? Nguồn tin Business Insider khẳng định thậm chí CEO Vision Fund Rajeev Misra còn tin tưởng giá trị vốn hóa của WeWork có thể đạt tới 100 tỉ USD.

CNBC dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho biết câu trả lời là sự lạc quan thái quá của tỉ phú Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank Ron Fisher và ông Misra. Trong khi đó, những người bất an với WeWork đều đã rời khỏi SoftBank.

Ông Son lập quỹ Vision Fund 100 tỉ USD với tầm nhìn tới 300 năm. Tham vọng của ông là Vision Fund sẽ đầu tư phát triển các doanh nghiệp công nghệ, đủ sức đóng góp vào một cuộc Cách mạng Công nghiệp mới. Điều đó đòi hỏi “đầu tư dài hạn với quy mô cực lớn”.

Những nhân vật quan trọng ở SoftBank như Nikesh Arora và Alok Sama phản đối việc đổ tiền vào WeWork. Nhưng Arora rời SoftBank năm 2016 sau hai năm làm Chủ tịch, vì ông Son tuyên bố sẽ không rời bỏ vị trí CEO trong 5-10 năm nữa.

Ông trùm đầu tư Nhật gây ra cú bốc hơi 37 tỉ USD của startup WeWork? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư lừng danh Masayoshi Son bị cho là đã ảo tưởng, khi đổ quá nhiều tiền vào Uber và WeWork. (Ảnh: Fortune).

Còn Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Sama ra đi hồi đầu năm nay vì bị cấm làm việc ở Vision Fund. Nguồn tin của Wall Street Journal tiết lộ một cổ đông đã mở chiến dịch đá ông Sama.

Các nguồn tin thân cận khẳng định dù Vision Fund có những nhà đầu tư kỳ cựu như Deep Nishar, Jeff Housenbold và Michael Ronen, quyết định của ông Son mới là quan trọng nhất. Và sau khi Arora cùng Sama ra đi, không còn ai muốn trái lời ông.

Trên thực tế, Arora và Sama đã điều tra kĩ về WeWork, và khuyên ông Son rằng ông không nên đầu tư vào công ty này hồi năm 2016. Khi đó nó được định giá 8 tỉ USD. Nhưng ông Fisher và ông Son thích sự mạnh mẽ của CEO WeWork Adam Neumann, và cho rằng hãng có tiềm năng tăng trưởng lớn.

Hai người đánh giá WeWork là kênh đầu tư phù hợp với tầm nhìn của Vision Fund. Đó là một công ty có khả năng chiếm lĩnh thị trường cần nguồn vốn lớn để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Những con số vẽ

Trong bản cáo bạch IPO, WeWork nhắc đến từ Trung Quốc 173 lần. Nhiều công ty công nghệ Mỹ thất bại trong việc xâm nhập thị trường quốc gia 1,4 tỉ dân, nhưng hiện tại WeWork đã sở hữu 115 tòa nhà tại 12 thành phố ở Trung Quốc.

Viễn cảnh đó khiến SoftBank thổi phồng giá trị thị trường của WeWork. Để so sánh, doanh thu của IWG - một công ty chia sẻ văn phòng khác ở Mỹ - đạt 3,4 tỉ USD năm 2018, gần gấp đôi con số 1,8 tỉ USD của WeWork. IWG lãi ròng 600 triệu USD trong năm ngoái trong khi WeWork lỗ 1,6-1,9 tỉ USD.

Ông trùm đầu tư Nhật gây ra cú bốc hơi 37 tỉ USD của startup WeWork? - Ảnh 3.

Doanh thu của WeWork so với Công ty bất động sản IWG luôn thua xa, nhưng giá trị vốn hóa của WeWork được thổi phồng lên quá mức. (Ảnh: Vox).

Nhưng IWG chỉ được định giá vỏn vẹn 3,7 tỉ USD - thua WeWork gần 13 lần - vì không có yếu tố “công nghệ”. Trên thực tế, giới quan sát nhận định WeWork chỉ lợi dụng cái vỏ công nghệ để thu hút các nhà đầu tư. Thực chất nó vẫn chỉ là một công ty bất động sản thuần túy.

Dần dần ông Misra đồng ý với ông Fisher và ông Son về WeWork. Thậm chí năm 2018, ông dự báo công ty này sẽ đạt giá trị thị trường 100 tỉ USD.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của WeWork buộc những người xung quanh ông Son tìm cách kìm hãm hứng thú của ông với công ty chia sẻ văn phòng này. Đại diện Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia công khai bài tỏ sự lo ngại về việc Vision Fund đổ quá nhiều tiền vào một công ty.

Kết quả là ông Son buộc phải hủy bỏ kế hoạch rót 16 tỉ USD vào WeWork trong năm 2019 và chỉ giới hạn đầu tư ở mức 2 tỉ USD.

Cùng giai đoạn này, SoftBank đang huy động vốn để mở quỹ Vision Fund thứ hai. Việc WeWork IPO và đạt giá trị vốn hóa 47 tỉ USD sẽ là màn quảng cáo hoành tráng cho quỹ Vision Fund đầu tiên.

Ông trùm đầu tư Nhật gây ra cú bốc hơi 37 tỉ USD của startup WeWork? - Ảnh 4.

Những con số được Uber hay WeWork đưa ra trước IPO đều rất tuyệt vời và hoàn hảo. (Ảnh: CNBC).

Theo CNBC, những người thân cận với ông Son cho biết ông tin tưởng WeWork sẽ thành công vang dội. Các đại gia tài chính như J.P. Morgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng nói với ông Son và CEO WeWork Adam Neumann, rằng giá cổ phiếu công ty sẽ tăng vọt sau IPO và giá trị vốn hóa có thể đạt tới 60-100 tỉ USD.

“Những con số được vẽ ra trước IPO luôn rất tuyệt vời. Tôi cho rằng SoftBank đã trở nên tham lam và tin tưởng đầu tư của họ sẽ sinh lãi lớn khi WeWork IPO. Đó là màn kết hợp giữa lòng tham và sự kiêu ngạo”, chuyên gia Aswath Damodaran thuộc Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York) bình luận.

Theo Bloomberg, vụ bê bối WeWork và cả cuộc khủng hoảng Uber (SoftBank đầu tư 7,6 tỉ USD vào Uber hồi năm 2018) cho thấy tập đoàn này quá mù quáng. Trước khi đổ hàng tỉ USD vào WeWork, lẽ ra SoftBank cần rất chắc chắn về tài chính của công ty này.

Rất có thể sau cú bước hụt WeWork, SoftBank và tỉ phú Son sẽ trở nên cẩn trọng hơn, kịp thời phát hiện những “bãi mìn” trước khi giẫm phải. Dù vậy, Bloomberg cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ phải suy đi tính lại với quỹ Vision Fund 100 tỉ USD thứ hai của ông Son.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.