Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương chỉ đạt 1,73%

Ngày 14/6, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA), 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, việc giải ngân nguồn vốn này của các địa phương vẫn rất khó khăn.

Vốn đã giải ngân chỉ bằng 1,73% dự toán; trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Hiện, mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%, 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỷ lệ giải ngân trên là rất thấp và thấp hơn hẳn tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 (vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%). 

Còn nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến hết tháng 5 giá trị giải ngân vốn ODA là 551 tỷ đồng, đạt 7,03% kế hoạch. Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân của thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến chuyên gia sang Việt Nam khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương chỉ đạt 1,73% - Ảnh 1.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị. (Ảnh: Vietnamplus).

Các thiết bị cho các dự án như đầu máy, toa xe của gói thầu số 6 dự án tuyến đường sắt số 3, hoặc gói thầu số 1 dư án nhà máy nước thải Yên Xá đều phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản đều rất chậm.

Ngoài ra, Hà Nội có một số khó khăn như: dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 gặp vướng mắc về điều chỉnh thời gian, kinh phí của các gói thầu do thời gian thực hiện của dự án kéo dài vì nhiều nguyên nhân…Đặc biệt với các dự án ODA tại Hà Nội, trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

“Thành phố đã rất quyết liệt, báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành; nhưng sự khác biệt giữa quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam với thông lệ quốc tế hay quy định của nhà tài trợ khi triển khai hợp đồng với nhà thầu quốc tế dẫn đến phát sinh các tranh chấp.”, ông Hà Minh Hải nói.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do dịch COVID-19, xét theo 3 giai đoạn chính từ khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư đến khi được giải ngân, có nhiều  vướng mắc dẫn đến chậm giải ngân. 

Cụ thể là, chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định, thỏa thuận vay; chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Hay, do chậm đấu thầu, chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn, hồ sơ rút vốn không đủ điều kiện giải ngân phải trả lại….

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tại các địa phương, đại diện thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn để các địa phương, các ngành rà soát để báo cáo Bộ thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn ODA 2021. Bộ Tài chính phối hợp các bộ xem xét các thủ tục điều chỉnh các hiệp định với các nhà tài trợ.

Bộ Tài chính cũng cam kết, hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Từ tháng 7/2021, Bộ sẽ triển khai thí điểm áp dụng và tiến tới áp dụng chính thức trong năm 2021 cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các địa phương thông qua Sở Tài chính nhằm đảm bảo cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương. Điều này nhằm hỗ trợ các địa phương chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.

Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án; có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi.

Về phía các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao; ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện của các địa phương.

Đối với các chủ dự án, các Ban quản lý dự án cần triển khai các việc thuộc trách nhiệm của chủ dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, chờ chỉ đạo, đặc biệt là đối với các dự án mua sắm thiết bị…

Bộ Tài chính nhận định, dù phải tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị là bầu cử Quốc hội khóa XIII và là năm đầu tiên của Quyết định 5 năm 2021-2025 nhưng việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn 2021 của các địa phương đã có tiến bộ đáng kể so với 3 tháng đầu năm.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng; trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, đến ngày 31/5, kế hoạch vốn năm 2021 nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là bằng 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm; trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương nhập TABMIS bằng 86% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại bằng 63% kế hoạch vốn được giao đầu năm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.