Theo Quyết định phê duyệt tháng 7/2011 "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch…
Tuy nhiên qua gần 10 năm triển khai, thực trạng các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn chưa có những chuyển động đáng kể.
Cụ thể, theo Tạp chí Tài chính, đô thị vệ tinh Hòa Lạc nằm phía Tây Hà Nội là khu vực hiếm hoi đã có những hoạt động với việc hình thành một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học, nhưng các tòa nhà mới chỉ lấp đầy khoảng 20% diện tích quy hoạch.
Khu đô thị này mới đây được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000.
Ở phía Bắc, đô thị Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, tuy nhiên, trung tâm huyện Sóc Sơn đến nay chưa có dấu hiệu hình thành một trục đô thị sầm uất.
Đô thị Xuân Mai ở phía Tây Nam Hà Nội với mục tiêu phát triển là khu dịch vụ - công nghiệp chưa có biến chuyển nào rõ rệt.
Khu đô thị Phú Xuyên, nằm sát trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều năm qua dừng lại ở việc xây dựng một ngôi nhà điều hành và thành bến bãi của các loại xe tải chở hàng, nơi tập kết vật liệu.
Theo ông kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, tình trạng này xảy ra là do việc triển khai các quy hoạch chi tiết của Hà Nội còn lúng túng, vì vậy không thu hút được đầu tư, cũng không thực hiện được mục đích giãn dân nội đô.
Cũng chia sẻ với TTXVN, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội chỉ ra, các đơn vị tư vấn việc lập quy hoạch chưa đủ năng lực hoàn thành đồ án được giao dẫn đến tình trạng công tác lập quy hoạch lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ.
Tờ Nhân dân nhận định, TP Hà Nội sẽ cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm cung cấp các thông tin liên quan, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND về việc Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Thông tin từ Tạp chí Tài chính, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội đề xuất, Hà Nội cần có một cơ quan chỉ đạo đặc thù ở các đô thị vệ tinh đã được xác định ranh giới để thực hiện đồng bộ quy hoạch ngay từ bước đi đầu tiên, không nên để đô thị vệ tinh trực thuộc các huyện.
Giải pháp cần làm ngay trước mắt mà ông Nghiêm đưa ra đó là tháo gỡ khó khăn cho người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch đô thị, những người bị ảnh hưởng trực tiếp do quy hoạch chậm.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với các khu vực dân cư xung quanh cũng là một trong những điểm mấu chốt khi triển khai các đô thị vệ tinh ở Hà Nội.
Cụ thể xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các đô thị vệ tinh bao gồm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Theo TTXVN, thành phố cần tập trung nguồn đầu tư vào các tuyến đường trục chính kết nối nhiều địa phương và vùng thủ đô, các trục đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, dự án các các khu dô thị vệ tinh cần được công bố rộng rãi để tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hà Nội cần có cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư với các tuyến kết nối với đô thị vệ tinh như số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; thúc đẩy, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi…
Việc phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị vệ tinh cần có những giải pháp và chiến lược quy hoạch, quản lý phát triển đô thị cụ thể, không thể là việc ngày một ngày hai của từng cá nhân hay của từng đô thị nhỏ lẻ, độc lập.