Giảm phí, BOT Cai Lậy vẫn chưa thể hết 'nóng'

Mặc dù Bộ GTVT đã ra văn bản quyết định giảm giá vé cho tất cả các phương tiện khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy, nhiều doanh nghiệp vận tải lẫn tài xế đều tỏ ra không đồng tình và yêu cầu dời trạm về đường tránh

Sau cuộc họp ngày 16/8, giữa bộ GTVT, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư BOT Cai Lậy đã thống nhất giảm giá phí, từ mức phí chỉ còn từ 35 .000-180.000 đồng/lượt như hiện nay xuống 25.000-140.000 đồng/lượt. Còn đối với người dân có phương tiện quanh trạm sẽ được giảm 50% hoặc miễn hoàn toàn.

Và chiều ngày 17/8, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức họp báo về những vấn đề xung quanh tại trạm thu phí BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, kỹ sư, doanh nghiệp vận tải và tài xế cho rằng, buổi họp báo chưa giải quyết được bản chất vấn đề tại BOT Cai Lậy.

giam phi bot cai lay van chua the het nong

Trạm thu phí BOT Cai Lậy

Tuy chưa có câu trả lời chính thức trạm thu phí BOT Cai Lậy thời gian thu phí sẽ là bao lâu, sau khi đã giảm giá từ 20% - 30% so với giá niêm yết trước theo thông tư số 30/2016/TT-BTC ngày 9/2/2016 của Bộ Tài Chính.

Nhưng đa số các chuyên gia, doanh nghiệp vận tải họ cho rằng việc giảm giá phí cùng với kéo dài thời gian thu phí thì cũng chẳng khác so với mức giá ban đầu cùng với thời gian thu phí ngắn hơn.

Chẳng hạn, giá phí ban đầu là 35.000 đồng – 180.000 đồng với thời gian thu phí là 6 năm 5 tháng thì nay giảm xuống 25.000-140.000 đồng mà thời gian thu phí tăng lên tới 12 – 13 năm, thì “mèo vẫn hoàn mèo”. Nếu tính toán kỹ, nhà đầu tư thu lợi nhuận cao hơn giá cũ.

Ở góc độ chuyên gia, TS Phạm Sanh cũng cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra mức giá phí tại BOT Cai Lậy là ngưỡng giá trên trung bình trên so với mặt bằng chung các BOT trong cả nước, cũng như đối chiếu theo giá khung mà thông tư 159/2013/TT-BTC mà Bộ Tài Chính ban hành ngày 14/11/2013.

“Đối với số vốn đầu tư là 1000 tỷ đồng xây dựng quảng đường chưa đầy 12km (tuyến đường tránh), việc Bộ Tài Chính đưa ra mức giá như hiện nay vẫn còn là quá cao so với tổng chiều dài của các tuyến cao tốc như TP HCM – Trung Lương hay Long Thành – Dầu Giây”.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho rằng việc giảm giá vé không làm dịu tình hình căng thẳng tại BOT Cai Lậy.

Ông Quản cho biết: “Việc giảm giá mà tăng thời gian thu phí thì có khác gì nhau?. Cái bản chất ở đây, họ không đi đường tránh nhưng vẫn phải mua vé. Còn nâng cấp quốc lộ 1 sao không sử dụng phí bảo trì hàng năm của các phương tiện đã đóng, sao phải dùng BOT?".

giam phi bot cai lay van chua the het nong

Tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy

Để giải quyết vấn đề căn cơ mà tạo được sự công bằng cho cả người sử dụng lẫn nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia, hiệp hội vận tải, doanh nghiệp vận tải cùng chung quan điểm có chỉ giải pháp dời trạm thu phí vào đường tránh. Khi đó, phương tiện nào sử dụng đường tránh thì phải trả phí cho nhà đầu tư.

TS Sanh cho rằng: Dự án đường tránh thị xã Cai Lậy và nâng cấp, sữa chữa mặt đường quốc lộ 1 là một dự án nhập nhằng giữa kế hoạch dự án và cả nguồn vốn đầu tư.

TS Sanh giải thích: Xây dựng đường tránh thị xã Cai Lậy có dài 12 km với tổng số đầu từ 1000 tỷ đồng lại gộp với hạng mục nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 có chiều dài 26,5km với số vốn đầu từ 300 tỷ đồng, rồi đem ra thu phí chung là trái quy định.

“Rõ ràng, anh sử dụng con đường 1.000 tỷ phải trả phí khác so với anh sử dụng đoạn đường sửa chữa 300 tỷ đồng. Không thể, bắt anh không sử dụng đường tránh mà lại đóng phí, như thế vô lý và không công bằng cho người dân, lẫn doanh nghiệp vận tải” – TS Sanh giải thích.

Tại cuộc họ báo chiều ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên phạm vi dự án, không có chuyện di dời trạm thu phí. Nếu di dời sẽ không đảm được khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Ở khía cạnh khác, khi trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy không ai mong muốn. Nếu Bộ GTVT yêu cầu di dời trạm BOT vào đường tránh thì sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của công ty. Chắc chắn việc thu phí ở đường tránh sẽ không bù đắp được khoản chi phí chủ đầu tư đã bỏ ra để thực hiện tuyến đường này và cải tạo nâng cấp quốc lộ 1.

Như vậy, bài toán cốt yếu nhất là vị trí đặt trạm thu phí đã không được giải quyết, thì những rắc rối liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy khó mà chấm dứt.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.