Có nơi trên 60% giảng viên chỉ có trình độ đại học
Luật Giáo dục đại học (ĐH) do Quốc hội ban hành năm 2012 đã quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên (GV) giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên. Chỉ trừ một số chuyên ngành đặc thù, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể.
Quy mô tuyển sinh tăng nhanh khiến nhiều trường thiếu giảng viên đủ chuẩn |
Tuy nhiên, dù đã trải qua 5 năm, tình trạng GV chưa đạt chuẩn vẫn diễn ra ở nhiều trường ĐH. Có những trường tỷ lệ người tốt nghiệp ĐH trong tổng số GV cơ hữu chiếm trên dưới một nửa. Số liệu này được Bộ công khai trong kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cuối tháng 11 qua từ kết quả do các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định sau đợt tuyển sinh 2017.
Trong danh sách này, Trường ĐH Võ Trường Toản gây chú ý nhất khi có trên 64% GV cơ hữu trình độ ĐH. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 1.214 GV cơ hữu nhưng chỉ có 109 người trình độ tiến sĩ trở lên (chiếm chưa tới 10%) và có tới 538 người chỉ trình độ ĐH, chiếm gần 45%. Trường ĐH Trà Vinh chiếm trên 37%, Trường ĐH Bình Dương trên 1/3, Trường ĐH Phan Châu Trinh trên 50%.
Một số trường công, tỷ lệ này cũng khá cao. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, trong tổng 276 GV cơ hữu thì có tới 126 người trình độ ĐH. Toàn trường chỉ có 8 tiến sĩ và 142 thạc sĩ.
Không để tình trạng quy mô đào tạo tăng quá nhanh trong khi không đảm bảo được đội ngũ giảng dạy” PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa |
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng còn 131 GV trình độ ĐH trong tổng 532 người. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tỷ lệ này là 142/445, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 103/371, Trường ĐH Tây Nguyên 151/478, Trường ĐH Y Dược Thái Bình 104/371, Trường ĐH Buôn Ma Thuột 38/91…
Số liệu này càng cho thấy rõ hơn những hạn chế của bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện khi đánh đồng các tiêu chí với nhau. Điều này dẫn tới thực tế có trường ĐH được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng dù không đạt tiêu chí về đội ngũ GV!
Do phải đào tạo cao đẳng !
Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết trường được nâng cấp lên từ trường CĐ năm 2011 và hiện còn đào tạo bậc CĐ. Do cơ cấu đào tạo của trường vẫn tồn tại cả 2 bậc đào tạo nên GV vẫn gồm cả người có trình độ ĐH. Hơn 500 người có trình độ ĐH là dạy các ngành bậc CĐ, còn dạy ĐH phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy mô tuyển sinh được Bộ GD-ĐT công bố thì lý do trường đưa ra chưa thực sự hợp lý. Bởi tổng quy mô đào tạo của trường hiện tại là 17.318 người học, trong đó chỉ có 2.385 sinh viên bậc CĐ (chiếm chưa tới 14%). Năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh của trường trên 5.600 bậc ĐH, liên thông ĐH và thạc sĩ, trường không tuyển sinh được bậc CĐ.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nói trường chỉ còn một người dạy thực hành bậc ĐH là kỹ sư cơ khí, còn lại tất cả GV cơ hữu giảng dạy ĐH đều trình độ thạc sĩ trở lên. Con số 130 GV có trình độ ĐH là của bậc CĐ. “Từ nay đến 2020 trường sẽ dừng hẳn tuyển sinh bậc CĐ, số GV này nếu không tự nâng cấp lên thạc sĩ sẽ phải chuyển vị trí hoặc nghỉ việc. Không thể có tình trạng ĐH dạy ĐH”, ông Hoàn nói.
Đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết trường đang trong quá trình chuẩn hóa đội ngũ GV. Có một số trường hợp đặc biệt hiện chưa có trình độ thạc sĩ là sinh viên tuyển mới, GV lâu năm…
Tham gia thẩm định nhiều trường, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết các trường đưa ra nhiều lý do khác nhau để giải thích sự thiếu chuẩn này. Chẳng hạn có trường nói GV cơ hữu nhưng chỉ tham gia trợ giảng, phụ trách phòng thí nghiệm chứ không dạy lý thuyết. Trong khi đó, có trường nói chuyên ngành hẹp khó tuyển GV trình độ cao…
Quy mô tăng quá nhanh, ảnh hưởng chất lượng
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng rất đáng lo ngại và không thể chấp nhận được thực trạng này vì như vậy sẽ khó có thể đảm bảo được chất lượng. “Nhà nước đã có quy định rõ ràng nhưng các trường vẫn chưa thực hiện đúng, lỗi này do quản lý không chặt. Bộ cần kiên quyết kiểm soát các trường, không để tình trạng quy mô đào tạo tăng quá nhanh trong khi không đảm bảo được đội ngũ giảng dạy gây ảnh hưởng chất lượng đào tạo”, ông Nghĩa nói.
Một cán bộ làm công tác kiểm định cũng ý kiến: “GV dứt khoát cần phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực 5 năm nhưng các trường chưa chuẩn hóa đội ngũ này đều là những nơi có quy mô đào tạo tăng quá nhanh. Số lượng trường ĐH được mở mới, nâng cấp không ngừng trong khi việc mở ngành, tăng chỉ tiêu vẫn rầm rộ mỗi năm thì lực lượng GV đủ chuẩn được đào tạo mới không thể đáp ứng kịp, có chăng chỉ chạy từ trường này sang trường khác”.
Thực tế này càng khó chấp nhận khi đặt trong bối cảnh chung về trình độ chuẩn của giáo viên các bậc phổ thông. Hiện nay giáo viên tiểu học dù trình độ chuẩn là trung cấp nhưng thực tế đa số được đào tạo bậc CĐ, còn giáo viên THCS chuẩn CĐ nhưng đa số được đào tạo ĐH. Chính vì vậy, dự thảo luật Giáo dục sửa đổi sắp tới sẽ nâng chuẩn giáo viên tiểu học.