Trước thực trạng bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp trong những ngày vừa qua, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với TS Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy và TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, để hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Theo TS Lê Minh Thuận, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ. "Những vụ việc được biết đến chỉ là phần nổi, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành khác chưa được biết đến, vì vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức", ông Thuận nói.
"Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thông tin liên quan đến vấn đề được chia sẻ rộng rãi hơn, thu hút sự chú ý của dư luận và được quan tâm hơn so với trước đây", TS Thuận nói thêm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em rất đa dạng. "Nguyên nhân trực tiếp là do những người nuôi dạy trẻ thiếu tình yêu thương, thiếu kỹ năng chăm sóc dạy dỗ trẻ, thiếu kiểm soát cảm xúc - hành vi khi dạy trẻ".
Nguyên nhân gián tiếp có thể do áp lực của công việc chăm trẻ vất vả, số lượng trẻ đông, sự kỳ vọng của gia đình trẻ phải tăng cân cũng khiến bảo mẫu nhồi nhét trẻ ăn và bạo hành khi trẻ ăn, nhằm ép trẻ ăn nhiều...", tiến sĩ Phạm Thị Thúy phân tích.
Các bảo mẫu ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh đánh vào đầu trẻ. Ảnh: Cắt từ clip của báo Tuổi Trẻ. |
Ngoài ra, do những áp lực của cuộc sống của chính các bảo mẫu, sự căng thẳng trong cuộc sống hiện đại, hoặc chính các cô từng bị bạo hành từ bé đã dẫn đến hành vi hiện tại.
"Nguyên nhân ảnh hưởng có thể còn do sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức đang diễn ra tràn lan ở mọi ngành nghề, lĩnh vực khiến con người bị tạp nhiễm, trở nên vô cảm, coi trọng đồng tiền, không còn coi trọng tình người, đánh mất sự tôn trọng và yêu thương đối với trẻ", TS Thúy nói.
Kết quả của nhiều nghiên cứu chỉ ra được một số yếu tố, nguy cơ dẫn đến hành vi bạo hành, từ đó có thể can thiệp và làm giảm thiểu, cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do nạn bạo hành gây ra.
Theo TS Lê Minh Thuận, khi một trẻ bị bạo hành, trách nhiệm thuộc về những người có liên đới trực tiếp đến trẻ, không những là những người xung quanh trẻ như gia đình, người chăm sóc, giáo viên mà cả những tầng cấp vĩ mô hơn như những nhà thanh tra, quản lý giáo dục, rộng hơn là nền văn hóa xã hội của một quốc gia.
"Nạn tham ô, tham nhũng tràn lan, những hành vi thiếu chuẩn mực hàng ngày của những người có vị trí xã hội cao đã và đang ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của từng người dân, khó tránh sự bất mãn, sự căng thẳng, sự coi thường pháp luật....", TS Thúy nhấn mạnh.
Ngoài ra, một nhân tố đóng vai trò rất quan trọng không thể không kể đến là gia đình. Đây là cấu trúc xã hội cơ bản mà trẻ có thời gian sinh hoạt nhiều nhất, do đó bất kỳ sự thay đổi về tâm sinh lý, cảm xúc và hành vi của trẻ đều có thể dễ dàng quan sát được.
Cũng theo hai chuyên gia tâm lý, gia đình cần xem lại cách giáo dục của mình hiện tại. Liệu rằng đã bằng tình thương hay bằng roi vọt? Nếu giáo dục gia đình tràn ngập bạo lực thể xác và tinh thần thì hệ quả sẽ sinh ra những con người ác độc, dùng bạo lực với người khác, đánh trẻ dã man như các cô bảo mẫu.
"Những đứa trẻ bị bạo hành sẽ có những biểu hiện tâm lý không khó nhận ra nếu cha mẹ dành thời gian cho con. Trẻ mầm non bị bạo hành ở lớp sẽ có những biểu hiện mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào quan tâm đến con mỗi giờ, chỉ cần quan sát con bằng tình yêu thương sẽ thấy", TS Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy phân tích.
Tình trạng bạo hành trẻ em ở các trường mầm non không chỉ mới xảy ra vài ngày qua. Trong ảnh là bảo mẫu Lê Thị Đông Phương đã bị xử 3 năm tù. Ảnh: Cắt từ clip. |
TS Thúy cũng chỉ ra những biểu hiện của trẻ em khi bị bạo hành mà nếu cha mẹ chịu để ý sẽ dễ dàng nhận ra.
"Trẻ em bị bạo hành có thể có những biểu hiện như: Quấy khóc nhiều hơn, biếng ăn, mất ngủ, ngủ mơ ác mộng, giật mình tỉnh giấc, ngủ không ngon, có trẻ thu mình, nhút nhát, ít nói, ít cười, ánh mắt vô hồn, hoang mang,... sợ gặp gỡ mọi người, sợ đến trường, sợ cô... Có trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh hơn, đánh bạn nhiều hơn, la hét, đập đồ khi không vừa ý...", TS phân tích.
Theo nghiên cứu của Đại học Washington và Indiana, những trẻ em bị phơi nhiễm với bạo lực trong gia đình có mức độ bị bạo hành nhiều hơn những trẻ không chứng kiến hành vi đó.
"Các bé bị bạo hành tâm lý thường lo âu, trầm cảm, có lòng tự trọng thấp, xuất hiện những triệu chứng stress sau sang chấn, có ý định tự tử với mức độ tương đương ở cả 3 dạng là bạo hành tâm lý, bạo hành thể lý và lạm dụng tình dục", TS Thuận chia sẻ.
Cũng theo vị TS này, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, vết thương thể chất sau 1 thời gian sẽ lành, còn vết thương trong tinh thần của trẻ thì vô cùng lớn, khó có thể xác định chính xác hậu quả, tùy thuộc vào mức độ bạo hành và thời gian kéo dài bao lâu.
TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Quận 2, TP.HCM. Ảnh: NVCC |
Nguy hiểm hơn, trẻ em thường có thói quen bắt chước các khuôn mẫu của người lớn – nhà mô phạm, muốn được như cha mẹ, thầy cô. Chúng có thể tin rằng bạo lực là tốt và những đứa trẻ có thể sử dụng nó với bạn bè.
"Xét cho cùng, trẻ em có thể nghĩ rằng: Nếu thầy cô cha mẹ có thể làm điều này, thì tôi có thể đánh đứa trẻ này để có được con đường lý tưởng của mình giống như mình kỳ vọng. Khi gia đình, hoặc thầy cô dùng bạo lực hay tham gia bạo lực, trẻ em có thể cho rằng bạo lực là cách đúng đắn để thể hiện cách ứng xử hàng ngày của mình", TS Lê Minh Thuận nhấn mạnh.
Bậc cha mẹ nên dành ít thời gian chơi đùa cùng con mỗi ngày sẽ nhận thấy được những sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng trẻ em sinh ra trong gia đình có phong cách nuôi dạy thờ ơ sẽ có nguy cơ là nạn nhân của bạo hành cao hơn.
Dạy cho con cách mô tả thông qua hoạt động trò chuyện cũng là một trong những hoạt động giúp giảm thiểu nguy cơ là nạn nhân của bạo hành.